4 phút đọc

3/23/2023

TP.HCM xuất hiện chùm 20 ca cúm H1N1

Ngày 16/03, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM nhận được tin báo của Trung tâm y tế quận 10 về việc số học sinh nghỉ ốm tăng bất thường tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản. Ngay sau khi nhận thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã nhanh chóng phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng 1 và Trung tâm Y tế Quận 10 thực hiện điều tra dịch tễ, tổ chức thăm khám cho các trẻ.

[Quy trình] Quy trình lấy sỏi san hô mở rộng thận (bivalve) có hạ nhiệt - Bộ Y tế 21/12/2017

Theo ghi nhận, chùm ca bệnh xuất hiện từ ngày 15/03 đến 16/03. Có tổng cộng 20 học sinh bị bệnh với các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, ói, nhiều học sinh có dấu hiệu sốt đến 39℃.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ nghi ngờ các trẻ mắc cúm và thực hiện lấy ngẫu nhiên 6 mẫu xét nghiệm. Mẫu đã được gửi về Viện Pasteur để tiến hành phân lập. Đến ngày 17/03, kết quả xét nhiệm cho thấy 06/06 mẫu có kết quả dương tính với cúm A/H1N1. 

Tính từ ngày 17/03 đến nay, lớp học chưa ghi nhận thêm trường hợp mới ào với triệu chứng như trên.

Trước đó, Thành phố cũng đã ghi nhận hơn trăm trường hợp học sinh bị sốt siêu vi tại quận Bình Thạnh. Cụ thể, số học sinh có triệu chứng bệnh trong ba ngày (22/02 đến 24/02) tại hai ổ dịch, Trường THCS Lê Văn Tám lần lượt là 14, 193 và 23 học sinh và tại Trường THCS Lam Sơn lần lượt là 5, 84, 17 học sinh. 

Theo các chuyên gia, TP.HCM đang vào mùa cao điểm của các bệnh đường hô hấp, dễ lây lan trong môi trường tập trung đông người. Vì vậy, các cơ sở giáo dục cần thực hiện quản lý học sinh bằng công tác điểm danh mỗi ngày, qua đó phát hiện sớm các học sinh có dấu hiệu bị bệnh truyền nhiễm.

Trường hợp phát hiện học sinh mắc bệnh truyền nhiễm hoặc ghi nhận có từ 2 học sinh cùng có vấn đề sức khỏe trong cùng một thời gian, số lượng học sinh bị bệnh tăng bất thường, nhà trường cần báo ngay cho Trạm Y tế và Trung tâm Y tế địa phương để có hướng xử lý kịp thời.

Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm và nhà trường phải chủ động liên hệ phụ huynh để xác định xem xem con em của mình có mắc bệnh truyền nhiễm hay không.

Khi đã phát hiện có chùm ca bệnh tại trường, nhà trường cần tiếp tục theo dõi tình hình học sinh nghỉ bệnh hoặc có triệu chứng mới hàng ngày tại trường (kể cả ngày nghỉ). Cập nhật danh sách học sinh mắc bệnh theo triệu chứng, thời gian, lớp học và báo cáo về Trạm Y tế theo quy định. 

Bên cạnh công tác theo dõi, giám sát của nhà trường thì phụ huynh nên chủ động đưa con đi khám bệnh sớm khi có các triệu chứng nghi ngờ và phản hồi thông tin về nhà trường để quản lý, theo dõi. 

TPHCM-ghi-nhận-chùm-20-ca-H1N1.jpg

Cúm A/H1N1 là một loại virus lây từ người sang người. Nguồn ảnh: Bệnh viện Thu Cúc. 

Đặc điểm của dịch bệnh cúm A/H1N1

Vi rút cúm A/H1N1 có thể dễ dàng lây lan từ người sang người qua không khí có chứa các hạt nước nhỏ li ti khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện. 

Người bệnh cũng có thể nhiễm vi rút cúm do tiếp xúc, chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm vi rút, chạm vào khăn giấy đã dụng có nhiễm vi rút sau đó đưa tay lên mũi, miệng hoặc dụi mắt. 

Việc dùng chung đồ dùng, ly uống nước, hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có thể lây nhiễm vi rút cúm A/H1N1.

Triệu chứng mắc cúm A/H1N1

- Sốt thường trên 38oC và ớn lạnh

- Đau viêm họng

- Nhức đầu

- Đau mình và nhức cơ; Mệt mỏi và suy nhược

- Ho khan; Xổ mũi

- Tiêu chảy và ói mửa 

Phòng bệnh cúm A/H1N1

 - Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi; sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt hằng ngày; tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm.

 - Ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm.

 - Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc. 

 - Tiêm vaccine phòng bệnh. Những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan. 

 - Đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi, tiêm nhắc lại để chủ động phòng tránh bệnh dịch.

[Sinh lý + Dịch tễ] Nhiễm Cryptosporidium

Nguồn: Báo Đời sống và Sức khỏe, báo Tuổi trẻ, Cục Y tế dự phòng.

 

#Truyền nhiễm
Bình luận