5 phút đọc
3/18/2023
Đóng bảo hiểm xã hội lần đầu cần chuẩn bị hồ sơ và làm theo thủ tục như thế nào?
Những người đóng bảo hiểm xã hội lần đầu chắc hẳn sẽ còn nhiều thắc mắc về hồ sơ, thủ tục đóng bảo hiểm xã hội được quy định như thế nào theo luật.
3 lời khuyên để tránh cảm thấy tiếc nuối trong tương lai
Ảnh minh hoạ
Sổ bảo hiểm xã hội là gì?
Căn cứ vào Điều 96 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, quy định về sổ bảo hiểm xã hội như sau:
1. Sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
2. Đến năm 2020, sổ bảo hiểm xã hội sẽ được thay thế bằng thẻ bảo hiểm xã hội.
3. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục tham gia và giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội bằng phương thức giao dịch điện tử.
Như vậy từ năm 2020, thẻ bảo hiểm xã hội đã thay thế cho sổ bảo hiểm xã hội của người lao động.
Hồ sơ đăng ký bảo hiểm xã hội lần đầu
Đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Theo Điều 23 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, quy định được nêu như sau:
1. Thành phần hồ sơ
1.1. Người lao động
a) Đối với người lao động đang làm việc tại đơn vị:
- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
- Trường hợp người lao động được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: bổ sung Giấy tờ chứng minh (nếu có) theo Phụ lục 03.
b) Đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Tiết a, c và d Điểm 1.7 Khoản 1 Điều 4:
- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
- Hợp đồng lao động có thời hạn ở nước ngoài hoặc HĐLĐ được gia hạn kèm theo văn bản gia hạn HĐLĐ hoặc HĐLĐ được ký mới tại nước tiếp nhận lao động theo hợp đồng.
1.2. Đơn vị:
a) Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS).
b) Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Mẫu D02-TS).
c) Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).
2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
Theo đó, người lao động nộp giấy tờ cho doanh nghiệp để hoàn thiện hồ sơ và nộp cho cơ quan BHXH quản lý.
Đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện:
Theo Điều 24 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, người lao động cần chuẩn bị giấy tờ gồm: Tờ khai tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS), sau đó nộp giấy tờ cho đại lý thu hoặc cơ quan BHXH để đăng ký đóng BHXH tự nguyện.
Thủ tục đóng bảo hiểm xã hội
Căn cứ Điều 31 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 và hướng dẫn tại Quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021, thủ tục đóng bảo hiểm xã hội đối với mỗi loại hình bảo hiểm được thực hiện như sau:
Thủ tục đóng BHXH bắt buộc:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.
Bước 2: Doanh nghiệp nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH.
Hình thức nộp: Qua bưu điện hoặc nộp trực tiếp hoặc nộp online qua Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam/tổ chức I-VAN.
Bước 3: Cơ quan BHXH cấp sổ BHXH và thẻ bảo hiểm y tế.
Thời hạn giải quyết: Tối đa 05 ngày.
Lệ phí: Không mất phí đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội.
Thủ tục đóng BHXH tự nguyện:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.
Bước 2: Người lao động nộp hồ sơ cho đại lý thu hoặc cơ quan BHXH nơi cư trú (thường trú/tạm trú).
Hình thức nộp: Trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc nộp online qua Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam.
Bước 3: Người lao động đóng tiền BHXH tự nguyện cho đại lý thu/cơ quan BHXH.
Người lao động tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn mức thu nhập tháng đóng BHXH. Hằng tháng, người lao động phải đóng 22% mức thu nhập mà mình lựa chọn.
Bước 4: Cơ quan BHXH cấp sổ BHXH cho người lao động.
Thời hạn giải quyết: Tối đa 05 ngày.
Không đóng bảo hiểm xã hội có bị xử phạt không?
Bảo hiểm xã hội được tổ chức theo 02 loại hình là bắt buộc và tự nguyện. Người lao động có thể lựa chọn tham gia bảo hiểm tự nguyện hoặc không tuỳ theo nhu cầu cá nhân.
Tuy nhiên, với BHXH bắt buộc, nếu thuộc diện tham gia mà không đăng ký đóng BHXH, người lao động và người sử dụng lao động đều sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
-
Đối với người lao động:
Căn cứ theo khoản 1 Điều 39 Nghị định này quy định được nêu rõ như sau Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định.
-
Đối với người sử dụng lao động:
+ Theo khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng BHXH cho một hoặc một số người lao động tại doanh nghiệp
+Theo khoản 6 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
[Điều trị] Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến tiền liệt - Bộ Y tế 17/07/2020