4 phút đọc
3/13/2023
Xuất hiện bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn
Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, trong những tháng đầu năm 2023 đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm liên cầu lợn ở người tại một số tỉnh, thành phố.
Bộ Y tế ra quyết định Ban hành Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023
Cách đây không lâu, bệnh nhân L.Q.H.S. (51 tuổi, ngụ tại Hà Nội) đã phải nhập viện Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn (Hà Nội) trong tình trạng toàn thân da mẩn đỏ, tức ngực, khó thở, huyết áp đo được 150/90mm Hg, mạch nhanh 124 nhịp/phút, tần số thở 35 lần/ phút, chỉ số Sp02 là 92%.
Theo lời kể của bệnh nhân, khoảng một giờ trước khi vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện, ông đã ăn lòng lợn, tiết canh. Bệnh nhân cũng cho biết, bản thân có tiền sử khoẻ mạnh, không bị dị ứng.
Vào tháng 2/2023, trên địa bàn Hà Nội cũng ghi nhận trường hợp đầu tiên bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Đó là một nam bệnh nhân 52 tuổi ở quận Hà Đông, làm nghề bán lòng lợn tiết canh.
Ngày 08/03, để chủ động phòng, chống lây nhiễm bệnh liên cầu lợn sang người, Cục Y tế dự phòng ban hành Công văn số 226/DP-DT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương thực hiện một số nội dung, cụ thể:
1️⃣Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm liên cầu lợn ở người, triển khai ngay các biện pháp xử lý ổ dịch; các cơ sở khám chữa bệnh đặc biệt chú ý những trường hợp người bệnh có triệu chứng nghi nhiễm liên cầu lợn, khai thác tiền sử dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm điều trị bệnh nhân kịp thời để tránh tử vong và thông báo cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật để điều tra, xử lý ổ dịch.
2️⃣Tăng cường truyền thông các biện pháp phòng lây nhiễm liên cầu lợn sang người: không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn; có biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang cho những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc.
3️⃣Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y trong việc giám sát phát hiện các dịch bệnh trên đàn lợn mà thuận lợi cho liên cầu lợn bùng phát như dịch bệnh tai xanh, kịp thời chia sẻ thông tin để có những biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm sang người.
4️⃣Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất, phương tiện bảo đảm triển khai các biện pháp giám sát và xử lý ổ dịch; rà soát các hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật trong giám sát, chẩn đoán và điều trị bệnh liên cầu lợn để củng cố năng lực cho cán bộ chuyên trách.
5️⃣Thực hiện việc phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT về hướng dẫn phối hợp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người; Báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.
Bệnh liên cầu khuẩn lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên. Nguồn ảnh: Microcosm.
🐷Đặc điểm của bệnh liên cầu khuẩn lợn
Bệnh liên cầu khuẩn lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên, bệnh xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới và gây tổn thất lớn về kinh tế. Nhiễm S.suis ít gặp ở người. Tuy nhiên, người có nguy cơ lây nhiễm và phát bệnh khi tiếp xúc với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh.
🐷Định nghĩa ca bệnh
- Ca bệnh lâm sàng: bệnh cảnh viêm màng não như sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác,…; xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hoá như sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run,... trước khi có biểu hiệu của viêm màng não. Trường hợp nặng: Sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng, hôn mê và tử vong.
- Ca bệnh xác định: Tìm thấy S.suis gây bệnh (thường là S.suis týp II) khi nuôi cấy bệnh phẩm (máu người bệnh hoặc các mô, tổ chức bị tổn thương) hoặc tiến hành làm xét nghiệm huyết thanh học hoặc làm phương pháp sinh học phân tử (PCR).
🐷Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự: Viêm màng não do não mô cầu, Viêm màng não do Haemophilus Influenzae, Sốt xuất huyết thể nặng.
🐷Xét nghiệm
- Loại mẫu bệnh phẩm: Máu người bệnh, các mô, tổ chức bị tổn thương.
- Phương pháp xét nghiệm:
+ Phân lập liên cầu: Cấy máu, lấy khuẩn lạc nhuộm soi thấy hình ảnh liên cầu Gram (+), tiếp đó quan sát hiện tượng dung huyết alpha và beta trên môi trường thạch máu cừu và ngựa.
+ Thực hiện phản ứng kháng thể huỳnh quang phát hiện vi khuẩn tại các mô bị nhiễm
+ Làm phản ứng PCR là phương pháp chính xác nhất.
[Giải phẫu vùng bẹn] Thoát vị bẹn
Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống, Trang Thông tin điện tử Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Cao Bằng, Cục Y tế Dự phòng.