22 phút đọc

7/16/2024

ĐẠI CƯƠNG ÔN BỆNH - ThS.BS. Võ Thanh Phong

Lược sử hình thành và phát triển

Các danh y có công lớn trong khai sinh và phát triển của trường phái Ôn bệnh học gồm có: Ngô Hựu Khả, Diệp Thiên Sĩ, Tiết Sinh Bạch, Ngô Cúc Thông và Vương Mạnh Anh (Ngô Hựu Khả sống đời Minh, còn lại sống vào đời Thanh).

  • Ngô Hựu Khả đưa ra thuyết về lệ khí để giải thích vai trò của yếu tố gây lây nhiễm trong nguyên nhân gây ra các bệnh dịch. Ông cũng đề xuất rằng tác nhân gây ôn bệnh xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi miệng. Các ý kiến trên được ông viết trong sách Ôn dịch luận. 

  • Diệp Thiên Sĩ đưa vào học thuyết quá trình phát triển và truyền biến biến của bệnh qua 4 giai đoạn là vệ, khí, dinh, huyết. Các kiến giải của ông được viết trong sách Ôn nhiệt luận.

  • Tiết Sinh Bạch tập trung bàn luận về yếu tố thấp nhiệt gây bệnh. Ông giải thích thấp nhiệt là sự kết hợp ảnh hưởng qua lại giữa (biểu) dương minh và (lý) thái âm. Các kiến giải được đưa vào sách Thấp nhiệt điều biện.

  • Ngô Cúc Thông dựa trên quan niệm của Diệp Thiên Sĩ và mở rộng thêm để đưa ra hệ thống chẩn đoán dựa trên sự thay đổi bệnh học của ôn bệnh là cách biện chứng theo tam tiêu. 

  • Vương Mạnh Anh phát triển sâu hơn về nguyên nhân, triệu chứng và điều trị ôn bệnh bằng cách ứng dụng các học thuyết đã đề xuất trong Nội kinh và Thương hàn luận. Ông bàn luận các vấn đề trên trong nhiều sách, trong đó quan trọng nhất là quyển Ôn nhiệt kinh vĩ.

HOC THUYET KINH LAC.png

Giai đoạn nền móng

Giai đoạn nền móng chuẩn bị cho sự hình thành của hệ thống Ôn bệnh học diễn ra từ thời Chiến Quốc, và trải dài suốt các đời Tần, Hán, Tấn và Đường (từ 255 TCN đến 907 SCN). Mặc dù không có y văn nào bàn luận chuyên biệt về ôn bệnh trong giai đoạn này, nhưng một số điểm về sinh bệnh học, triệu chứng, mạch và điều trị cũng xuất hiện rải rác trong các tài liệu.

Nội kinh đã có nhắc đến về người mắc ôn bệnh và đợt bùng phát ôn bệnh, đây là tài liệu có xuất hiện thuật ngữ ôn bệnh sớm nhất. Về bệnh sinh, Nội kinh cho rằng cảm phải hàn tà vào mùa dông dẫn đến mắc ôn bệnh vào mùa xuân. Lý thuyết này sau đó được phát triển thành quan niệm về phục tà của ôn bệnh. Đến đời Hán, Thương hàn luận của Trương Trọng Cảnh đã đề cập đến ôn bệnh trong Dương minh bệnh. Nội kinh đưa ra pháp trị là “nhiệt cần phải thanh”, Thương hàn luận đưa ra pháp trị là thanh nhiệt và tả hạ. Các phương pháp điều trị của Ôn bệnh sau này cũng chịu ảnh hưởng từ các quan niệm trên. Đến đời Đường, các sách Thiên kim phương và Ngoại đài bí yếu cũng đề cập một số bài thuốc dùng ngăn ngừa và điều trị ôn bệnh. Như dùng Thái ất lưu kim tán để phòng ngừa ôn bệnh, Uy nhuy thang để trị phong ôn, và Hắc cao thang trị ôn độc gây ban chẩn. Các điều trị trên đến nay vẫn còn giá trị trên lâm sàng.

Mặc dù ôn bệnh đã được hiểu thêm một phần vào đời Đường, tuy nhiên vẫn còn trong thời kỳ phôi thai. Ôn bệnh và Thương hàn vẫn còn chưa tách biệt rõ ràng và vẫn còn được xếp chung với thương hàn. Như Nội kinh cho rằng các nhiệt bệnh đều thuộc thương hàn”, Nạn kinh thì chia thương hàn thành năm loại: trúng phong, thương hàn, thấp ôn, nhiệt bệnh và phong bệnh.

Giai đoạn phát triển

Sự phát triển tiếp theo trong quá trình hình thành học thuyết Ôn bệnh diễn ra từ đời Tống cho đến suốt đời Kim Nguyên (960 đến 1368). Trong giai đoạn này có nhiều đột phá về lý luận, pháp trị, bài thuốc để điều trị ôn bệnh, trong đó đặc biệt là phát triển về mặt pháp trị. Bước phát triển này giúp Ôn bệnh học bắt đầu tách ra thành một hệ thống riêng biệt.

Kể từ khi Thương hàn luận trở thành hệ thống điều trị chuyên biệt cho các bệnh ngoại cảm, với lý pháp phương dược đã trở thành tiêu chuẩn chung cho quản lý các bệnh ngoại cảm. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội và thực hành y khoa, các điểm hạn chế của Thương hàn luận trở nên rõ ràng hơn, và nó cần được phát triển và mở rộng thêm. Vì thế, bắt đầu từ đời Tống, nhiều y gia đã khởi đầu, và sau đó đã đưa thêm nhiều kiến giải để củng cố, hoàn thiện hơn nữa các phương pháp điều trị bệnh ngoại cảm có nhiệt.

Đời Tống, Chu Quăng lần đầu tiên phát triển quan điểm rằng các bài thuốc ôn cay tán của Thương hàn luận, như Ma hoàng thang và Quế chi thang, nên được điều chỉnh trước khi kê đơn cho phù hợp với các tình trạng lâm sàng dưới ảnh hưởng của thời gian, địa phương, và thể chất của bệnh nhân. Quan điểm này đóng góp và sự phát triển của y học bởi nó đã thách thức các quan điểm y khoa mang tín giáo điều trong thời đại của ông rằng các bài thuốc trong Thương hàn luận phải được dùng nguyên phương mà không được điều chỉnh. Trong suốt đời Kim nhiều trường phái khác nhau đã đấu tranh và đưa ra nhiều kiến giải, chúng đóng vai trò xúc tác mạnh mẽ cho sự phát triển của học thuyết ôn bệnh, đặc biệt trong lĩnh vực điều trị.

Trường hợp điển hình là quan niệm cho rằng các bài thuốc của đời trước không còn phù hợp cho bệnh của thời nay. Lưu Hà Gian (một trong tứ đại danh y thời Kim Nguyên) đã chủ trương đưa ra ý kiến táo bạo trong pháp trị và bài thuốc để trị nhiệt bệnh. Sau này, những quan điểm này đã đóng góp quan trọng cho sự tiến bộ trong phương pháp điều trị ôn bệnh. Dựa trên kinh nghiệm, Lưu Hà Gian thấy rằng lục kinh truyền biến trong Thương hàn luận nếu thực tế là có thể áp dụng cho nhiệt chứng, nhưng theo nguyên lý phải được điều trị bằng thuốc hàn lương. Ông cũng thấy sự không phù hợp khi chỉ dùng thuốc tân ôn giải biểu trong giai đoạn khởi đầu của nhiệt bệnh. Ông chỉ ra rằng các bài thuốc tân ôn quá mức, như kết hợp Ma hàng và Quế chi, sẽ dễ dẫn đến nhiều phản ứng phụ nghiêm trọng, và ông khuyên nên dùng phương pháp tân lương thay thế, để giải biểu và lý đồng thời. Ông còn đưa ra các bài thuốc như Song giải tán và Lương cách tán. Thuyết dùng thuốc hàn lương thanh nhiệt này trở thành phương pháp điều trị chính của ôn bệnh, và từ đây đã tạo nên sự thay đổi quan trọng và rõ rệt trong quá trình lịch sử hình thành của ôn bệnh.

Đến cuối đời Nguyên, danh y Vương An Đạo đã phân biệt rõ về quan niệm, cơ chế bệnh sinh và điều trị giữa ôn bệnh và thương hàn. Ông chỉ ra rằng không được nhầm lẫn giữa thương hàn và ôn bệnh; trong ôn bệnh, bệnh sinh là phục nhiệt từ lý ra biểu, vì vậy nguyên tắc điều trị là phải thanh lý nhiệt. Từ đó về sau, các y gia bắt đầu phân biệt ôn bệnh và thương hàn. Vì lý do này, vào đời Thanh, Ngô Cúc Thông ca ngợi công lao của Vương An Đạo vì đã tách biệt ôn bệnh ra khỏi thương hàn.

Giai đoạn hình thành

Trong suốt đời Minh (1368 đến 1644) và đời Thanh (1644 đến 1911), Ôn bệnh học đã phát triển lớn mạnh. Lý luận được phát triển sâu hơn, học thuyết ngày càng hoàn thiện, điều trị ngày càng phong phú hơn.

Vương Thạch Sơn, y gia đời Minh, đã đưa quan niệm mới về nguyên nhân gây bệnh của ôn bệnh. Ông quan niệm rằng không chỉ có phục tà mới gây ôn bệnh (hàn tà phạm vào mùa đông, đến mùa xuân phát bệnh), mà ngay cả các tà mới phạm phải cũng có thể gây ra ôn bệnh. Điều này đã phá vỡ đi quan niệm truyền thống là phục tà hóa nhiệt.

Cuối đời Minh, xảy ra nhiều trận dịch lớn ở Hồ Bắc, Chiết Giang, Sơn Đông gây tử vong rất nhiều. Điều này tạo ra nhu cầu phải xem xét lại sự phù hợp của các quan niệm trước đây về bệnh ngoại cảm. Ngô Hựu Khả đã kế thừa kinh nghiệm và quan niệm của các y gia đời trước, kết hợp với kinh nghiệm và lý luận của ông đưa vào sách Ôn nhiệt luận, quyển sách đầu tiên bàn chuyên biệt về ôn bệnh học. Trong sách, ông đặt ra một số quan điểm nền móng về phân biệt giữa thương hàn và ôn bệnh. Về cơ chế bệnh sinh, các bệnh ôn dịch không những gây ra do lục dâm (phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa) mà còn bởi một loại tà khí khác gọi là lệ khí. Về dịch tễ học, ông đề xuất rằng ôn dịch có tính chất lây lan mạnh, và nhiễm qua đường mũi miệng. Về điều trị, ông chỉ ra rằng trước hết là phải khứ tà bằng các phương pháp khứ, sơ, tán. Các phương pháp này đến nay vẫn còn rất hữu dụng.

Đến đời Thanh, cả biện chứng vệ khí dinh huyết và biện chứng tam tiêu đã phát triển để hình thành nên hệ thống hoàn chỉnh về nguyên nhân, lâm sàng, mạch, và điều trị ôn bệnh. Trong thời gian này, việc ứng dụng ôn bệnh học đã được lan rộng khắp phía Nam Trung Quốc. Các y gia gồm Diệp Thiên Sĩ, Tiết Sinh Bạch, Ngô Cúc Thông và Vương Mạnh Anh lần lượt đóng góp vào học thuyết ôn bệnh học. Các quan niệm mới của họ đã phá vỡ đi quan điểm truyền thống rằng “ôn bệnh không bao giờ vượt qua ranh giới của thương hàn”. 

Diệp Thiên Sĩ được xem là y gia có đóng góp quan trọng nhất cho sự hoàn thiện của hệ thống ôn bệnh học. Các bài giảng của ông được học trò ghi chép lại và đưa vào sách Ôn nhiệt luận, một trong các y văn quan trọng nhất về ôn bệnh. Trong sách, ông giải thích quy luật mà ôn bệnh xảy ra và diễn tiến, đặc biệt là hệ thống điều trị và biện chứng theo vệ khí dinh huyết. Đây là bước phát triển then chốt về mặt chẩn đoán ôn bệnh. Ông cũng đặt nền móng cho các phương pháp điều trị ôn bệnh.

Sau Diệp Thiên Sĩ, Ngô Cúc Thông viết sách Ôn bệnh điều biện bàn luận có hệ thống về biện chứng luận trị ôn bệnh. Ngô Cúc Thông dựa trên thuyết vệ khí dinh huyết của Diệp Thiên Sĩ, bổ sung vào biện chứng theo Tam tiêu, và kết hợp hai hệ thồng lại với nhau. Ông cũng tổng kết các bài thuốc điều trị ôn bệnh thành một hệ thống. Tiết Sinh Bạch viết sách Thấp nhiệt bệnh thiên, phát triển và làm phong phú thêm nội dung của thuyết ôn bệnh bằng cách chú trọng hơn và nguyên nhân và bệnh sinh, chứng trạng, và điều trị thấp nhiệt bệnh. Vương Mạnh Anh viết Ôn nhiệt kinh vĩ, tổng kết các lý thuyết và kinh nghiệm về ôn bệnh từ Nội kinh, Thương hàn luận, Ôn nhiệt luận, Thấp nhiệt bệnh thiên, góp phần vào sự phát triển của ôn bệnh học như là một mô hình tích hợp. Trong suốt thời kỳ này, các y gia đã tách biệt rõ ràng giữa ôn bệnh với thương hàn, và nhiều bài thuốc điều trị ôn bệnh cũng được sáng tạo ra như Tang cúc ẩm, Ngân kiều tán. Kể từ đây, Ôn bệnh học đã thoát khỏi thương hàn và trở thành trường phái độc lập.

Giai đoạn tiến bộ

Sau giai đoạn hình thành cho đến nay, ôn bệnh đã có thêm nhiều tiến bộ mới. Cuối đời Thanh và đầu thời Trung Hoa Dân Quốc, danh y Trương Tích Thuần dưới ảnh hưởng của thời đại, ông hình thành nên quan niệm “Trung Trung tham Tây” (giữ Trung y và tham khảo thêm Tây y), ông viết sách Y học trung Trung tham Tây lục, đối với Tây y lấy ưu điểm bỏ khuyết, Trung y thì lấy cổ nhưng cách dùng mới, ông sử dụng aspirin phối với thạch cao để trị ngoại cảm nhiệt bệnh, trong đó aspirin hạ sốt, thạch cao thanh nhiệt, đây là đại biểu cho quan niệm “Trung Trung tham Tây” của ông. Các danh y khác như Đinh Cam Nhân, Hà Liêm Thần tổng hợp những học thuật của y gia đời trước, lập ra các phương thuốc mới tùy theo chứng trạng, đối với sau này có nhiều ảnh hưởng lớn. Lĩnh Nam, danh y Lưu Sĩ Xương đối với Lĩnh Nam ôn bệnh về mặt nguyên nhân, bệnh sinh, triệu chứng đã có nhiều đóng góp có giá trị cho sự phát triển của Lĩnh Nam ôn bệnh học. Năm 2003, các chuyên gia về ôn bệnh đã sử dụng lý luận của ôn bệnh học để can thiệp điều trị cho các bệnh nhân SARS giai đoạn sớm và đạt được nhiều kết quả đáng kể. Trong thời kỳ này, các y gia tiếp thu những tư tưởng của thời đại mới, học hỏi những điểm mạnh của Tây y, chia sẻ Trung y và Tây y, kết hợp kinh nghiệm điều trị của tiến nhân, bổ sung nhiều nội dung mới cho ôn bệnh học, mở rộng ứng dụng của ôn bệnh trong nhiều bệnh lý khác.

Thương hàn và ôn bệnh

Tranh luận giữa các y gia theo trường phái Thương hàn và Ôn bệnh đã bắt đầu từ đời Thanh về giá trị và mối liên hệ giữa hai trường phái này. Các y gia của trường phái Thương hàn cho rằng các bệnh nhiệt do ngoại nhân đạ được đề cập trong Thương hàn, bao gồm cả Ôn bệnh. Họ đồng thuận rằng Thương hàn luận chưa đưa ra phương pháp điều trị rõ ràng cho ôn bệnh, nhưng các điểm được bàn luận trong Dương minh chứng thực ra cũng là biểu hiện lâm sàng của ôn bệnh, và Bạch hổ thang cùng Thừa khí thang cũng là bài thuốc của ôn bệnh. Họ cũng đưa ra ý kiến rằng sách của Trương Trọng Cảnh đã bàn về tất cả các bệnh do ngoại nhân gây ra mà không chỉ là bàn về bệnh do ngoại cảm phong hàn, cũng như biện chứng lục kinh có thể áp dụng phù hợp trong ôn bệnh. Dựa trên các điểm này, nhiều y gia cho rằng không cần thiết phải tách ôn bệnh ra khỏi thương hàn.

Ngược lại, các y gia thuộc trường phái Ôn bệnh cho rằng Ôn bệnh và Thương hàn là hai loại bệnh khác nhau do ngoại nhân gây ra, có sự khác biệt trong điều trị và lý thuyết. Họ đưa ra lý do là Thương hàn luận tuy bàn về các bệnh do ngoại nhân gây ra, nhưng chỉ chú trọng hàn hơn nhiệt. Trong chương Dương minh bệnh, ôn bệnh đã được đưa ra, nhưng cách điều trị chưa rõ ràng, khác với Thái dương trúng phong và Thái dương thương hàn được bàn luận rất chi tiết. Ngoài ra, Bạch hổ thang và Thừa khí thang có thể dùng trong ôn bệnh, nhưng chúng không thích hợp cho tất cả các giai đoạn của ôn bệnh. Từ các lý do trên, các y gia theo trường phái Ôn bệnh nhấn mạnh rằng Ôn bệnh cần phải tồn tại như một hệ thống độc lập với Thương hàn.

Các lý thuyết về điều trị bệnh do ngoại nhân có nhiệt đã được đặt ra trong Thương hàn luận, và sau đó trải qua quá trình phát triển lâu dài, và học thuyết ôn bệnh là bước phát triển quan trọng tiếp theo đó. Về mặt các bệnh nhiệt do ngoại nhân gây ra, các đề xuất trong Ôn bệnh học cho hiệu quả cao hơn là Thương hàn luận. Ôn bệnh học bổ sung cho học thuyết Thương hàn và làm tăng hiệu quả lâm sàng. Các lý thuyết trong Ôn bệnh học cũng được áp dụng trong các trận dịch lây lan nhanh chóng tại Trung Quốc và điều này được nhấn mạnh bởi hầu hết các y gia đương đại tại Trung Quốc.

Tóm lại, từ thương hàn đến ôn bệnh là quá trình phát triển liên tục, là sự đột phá về mặt kiến thức. Thương hàn luận là nền tảng của Ôn bệnh học, và Ôn bệnh học bổ sung cho Thương hàn luận. Và dĩ nhiên rằng Ôn bệnh học cũng có những hạn chế của nó và cần phải được phát triển hoàn thiện hơn nữa trong tương lai.

Định nghĩa

Theo giáo trình Ôn bệnh học của Trung Quốc Trung y xuất bản xã xuất bản theo quy hoạch giáo trình năm năm lần thứ 12, Ôn bệnh được định nghĩa: Ôn bệnh là bệnh do ôn tà gây ra, lấy khởi phát có phát sốt là chủ chứng, khi có nhiệt nặng, dễ hóa táo thương âm đặc trưng cho một lọi bệnh ngoại cảm cấp tính nhiệt bệnh. Các loại ôn tà thường gây bệnh bao gồm phong nhiệt, thấp nhiệt, thử nhiệt, thử thấp, ôn nhiệt, táo nhiệt, lệ khí, ôn độc. Do nguyên nhân gây bệnh khác nhau, nên ôn bệnh cũng có nhiều loại: phong ôn, thử ôn, thấp ôn, thu táo, xuân ôn, ôn độc, ôn dịch. Các loại ôn bệnh có thể phân vào hai nhóm chính là ôn bệnh có nhiệt không thấp và ôn bệnh có cả thấp nhiệt. Trong nhóm ôn bệnh có nhiệt không thấp gồm có: phong ôn, thử ôn, thu táo, xuân ôn, ôn độc và ôn dịch, trong đó ôn độc được phân thành đại đầu ôn và lạn hầu sa, ôn dịch được phân thành ôn nhiệt dịch và thử nhiệt dịch. Ôn nhiệt có thấp nhiệt bao gồm: thấp ôn, thử thấp, thấp nhiệt dịch, phục thử.

Ôn bệnh khởi phát cấp tính, nhiệt rõ, dễ tổn thương âm dịch, chuyển biến nhanh, thay đổi nhiều, và bệnh trình ngắn, pháp trị là thanh nhiệt khứ tà. Ôn bệnh loại có thấp nhiệt khởi phát chậm hơn, bệnh trình kéo dài hơn, bệnh khó khỏi và dễ tái phát, cũng làm tổn thương âm dịch, pháp trị là thanh nhiệt khứ thấp. 

Ôn bệnh cũng được chia thành hai loại lớn tùy vào đặc điểm của bệnh có phù hợp với thời khí hiện hành lúc phát bệnh hay không: nếu phù hợp là tân cảm ôn bệnh, không phù hợp là phục khí ôn bệnh. Khởi phát bệnh ngay sau khi cảm phải tà khí, bệnh từ biểu mà phát là tân cảm ôn bệnh, bệnh thời kỳ đầu đa phần thấy biểu nhiệt chứng, bệnh từ biểu nhập lý, như phong ôn, thử ôn, thu táo. Sau cảm phải tà khí, tà lưu lại cơ tấu, khi gặp thời thì bệnh phát, bệnh từ lý mà phát, được gọi là phục khí ôn bệnh, bệnh khởi phát lấy lý nhiệt làm chủ chứng, bệnh tà từ lý truyền ra bên ngoài, hoặc có thể truyền vào sâu hơn, thời điểm phát bệnh và thời điểm tà khí đến không đồng thời, gồm các loại phục thử, xuân ôn.

Đặc trưng của ôn bệnh

Ôn bệnh gây ra bởi ngoại tà có tính ôn nhiệt

Ôn bệnh khác với các bệnh ngoại cảm phong hàn và cả các bệnh nội thương khác. Khác biệt này là do ôn bệnh gây ra bởi các ngoại tà có tính ôn nhiệt. Các y gia cổ cho rằng gây bệnh ngoại cảm thì không ngoài lục dâm. Họ cho rằng lục dâm chuyển hóa thành nhiệt và xâm phạm cơ thể gây ôn bệnh. Tuy nhiên, Ngô Hựu Khả đã xác định rằng nguyên nhân gây bệnh của ôn bệnh là một loại tà khí kỳ lạ trong tự nhiên mà ôn đặt tên là lệ khí.

Ôn bệnh có tính lây nhiệm, gây dịch, theo mùa, và địa lý

Ôn bệnh gây lây nhiễm với nhiều mức độ khác nhau. Có thể truyền từ người sang người qua nhiều đường khác nhau như là đường mũi và miệng. Ngô Hựu Khả cho rằng tà khí từ trời (tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường không khí) hoặc có thể do lây nhiễm từ người mắc bệnh (tác nhân gây bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp). Trong điều kiện cụ thể, ôn bệnh gây thành dịch với mức độ lan rộng khác nhau.

Dựa trên quan sát ôn bệnh có sự phân biệt theo mùa, ôn bệnh được phân chia thành ôn bệnh của bốn mùa khác nhau. Chủ khí của mỗi mùa khác nhau, do đó sự thay đổi liên tục của thời tiết dẫn đến mỗi mùa sẽ có tác nhân gây bệnh khác nhau, và đó là lý do tại sao ôn bệnh có sự thay đổi chứng trạng theo mùa. Mùa xuân, khí hậu ấm áp và có gió, nên bệnh thường gây ra do phong nhiệt. Mùa hạ, khí hậu nóng và ẩm thấp nên thường bệnh gây ra do thử thấp. Đôi khi ôn bệnh cũng xảy ra phụ thuộc vào vùng địa lý xác định. Bệnh do thấp nhiệt thường xảy ra vùng cận nhiệt đới như phía Nam Trung Quốc.

Ôn bệnh phát triển theo quy luận cụ thể

Trong quá trình phát triển của bệnh, diễn ra các chuyển biến chính về mặt bệnh học bởi vì tà khí gây bệnh tác động đến vệ khí dinh huyết và Tam tiêu gây mất điều hòa chức năng và tổn thương hoạt động sinh lý của tạng phủ có liên quan đến chúng. Ôn bệnh ở vệ phận có thể truyền vào khí phận, hoặc thậm chí vào sâu hơn đến dinh phận hoặc huyết phận. Bệnh ở khí phận có thể truyền vào dinh huyết phận. Bệnh ở dinh phận có thể truyền vào huyết phận hoặc truyền ngược ra khí phận.

Ngoài ra, còn có truyền biến theo Tam tiêu, khởi đầu bệnh xâm phạm đến Phế vệ ở thượng tiêu. Sau đó truyền trực tiếp đến dương minh hoặc nghịch truyền gián tiếp đến Tâm bào; giai đoạn cuối cùng, bệnh làm tổn thương đến Can Thận âm. Đây là những quy luật phát triển và chuyển hóa của ôn bệnh. Tuy nhiên cũng cần lưu ý trong quá trình thực hành lâm sàng rằng tính chất gây bệnh của các tác nhân khác nhau, sự mạnh yếu của người bệnh khác nhau, và tác động của điều trị thích hợp hay không thích hợp mà ôn bệnh có thể tiến triển không theo quy luật bình thường.

Biểu hiện lâm sàng có nhiều điểm đặc trưng

Ôn bệnh khởi phát thường cấp và dữ dội; bệnh tiến triển nhanh, thay đổi thường xuyên. Không chỉ đặc trưng bởi sốt, hầu hết các trường hợp là sốt cao, kèm theo nhiệt chứng như phiền táo, khát nước, lưỡi đỏ, rêu vàng. Trong các giai đoạn của bệnh, ôn tà có thể dễ dàng hóa táo và thương âm, hoặc có thể đi vào lý và gây ra các thay đổi dẫn đến phản ánh ra ngoài các triệu chứng như phát ban, ói ra máu và/hoặc chảy máu mũi, lơ mơ, hôn mê, co giật.

Nguyên tắc điều trị

Diệp Thiên Sĩ trong Ôn nhiệt luận đề xuất pháp trị: “Tại vệ thì phát hãn, tại khí thì thanh khí, nhập dinh phận thì thấu nhiệt chuyển khí, như dùng Tê giác, Huyền sâm, Linh dương giác, nhập huyết gây hao huyết động huyết, thì lương huyết tán huyết”. Điều này có nghĩa là pháp trị khác nhau tùy theo vị trí của bệnh tà, như tà tại vệ phận thì tân lương phát hãn; tà tại khí phận thì tân lương thanh khí; tà tại dinh phận thì dùng pháp thanh nhiệt thấu giải, dẫn tà ngoại xuất; tà tại huyết phận, thanh nhiệt lương huyết. Nếu biện chứng theo Tam tiêu, Ngô Cúc Thông đưa ra pháp trị: “trị thượng tiêu như vũ (phi khinh bất cử); trị trung tiêu như hoành (phi bình bất an); trị hạ tiêu như quyền (phi trọng bất trầm)”. Tức là trị ôn bệnh ở thượng tiêu sử dụng dược vị khinh thanh để lên đến thượng tiêu thanh nhiệt tà; trị ôn bệnh tại trung tiêu sử dụng dược vị bình hòa để điều hòa khí cơ trung tiêu, dùng dược không thể thiên lệch về một phía được; trị ôn bệnh tại hạ tiêu sử dụng dược vị có tính trọng trầm hoặc hàn để bổ vào âm dịch Can Thận bị hao thương. Tính chất ôn nhiệt bệnh tà thường dễ gây tổn thương chính khí và âm dịch của cơ thể, do đó điều trị ôn bệnh, nhất là vào giai đoạn trễ cần lưu ý trên cơ sỡ khứ tà cần phải dưỡng âm và phù chính.

Tài liệu tham khảo[1-5]

1. Chen, Ke-ji, Xie, Yuan-hua, and Liu, Yue (2012), "Profiles of traditional Chinese medicine schools", Chinese journal of integrative medicine. 18(7), pp. 534-538.

2. Wen, Jian Min and Seifert, Garry (2009), Warm Disease Theory, Paradigm Publications.

3. 刘铁钢, et al. (2016), "叶天士温病理论研究概述", 辽宁中医药大学学报. 18(01), pp. 85-87.

4. 江略 (2020), "地方知识的形成和变迁: 从明清到近代绍兴地区的外感热病学", 中医药文化. 15(04), pp. 1-10.

5. 王宏蔚 and 吴智兵 (2020), "温病学的形成及温病的概述", 光明中医. 35(20), pp. 3175-3178 

Bình luận