4 phút đọc

4/12/2023

ĐỊNH HƯỚNG CHUYÊN NGÀNH: DƯỢC LÂM SÀNG.

Dược lâm sàng là một chuyên ngành về Dược mới ở Việt Nam. Vì vậy, đội ngũ Dược sĩ lâm sàng ở các bệnh viện hiện còn đang rất mỏng. Theo Nghị định số 131/2020/NĐ-CP, các cơ sở khám chữa bệnh, kể cả nhà thuốc trong khuôn viên cơ sở khám chữa bệnh đều phải có dược sĩ lâm sàng.

Dược sĩ lâm sàng là một loại hình nhân viên y tế đặc biệt, các dược sĩ này có chức năng nhiệm vụ chính là làm việc trực tiếp với bác sĩ, với các chuyên gia y tế khác và với bệnh nhân để đảm bảo các loại thuốc được kê đơn và sử dụng cho cho bệnh nhân đạt được kết quả tốt nhất có thể. 

Khác với các loại hình dược sĩ khác, dược sĩ lâm sàng sẽ hành nghề trực tiếp trong các cơ sở y tế, nơi họ có thể tương tác trực tiếp và thường xuyên với các bác sĩ và chuyên gia y tế khác, góp phần phối hợp chăm sóc tốt nhất cho người bệnh.

Dược sĩ lâm sàng được đào tạo và huấn luyện trong nhiều môi trường khác nhau có chung đặc điểm là những nơi mà người dược sĩ lâm sàng sẽ tham gia chăm sóc bệnh nhân trực tiếp, bao gồm trung tâm y tế, phòng khám và các cơ sở khám chữa bệnh khác. 

Dược sĩ lâm sàng là một thành phần của nhóm điều trị, họ có quyền chăm sóc bệnh nhân với sự phối hợp chặt chẽ với các bác sĩ điều trị để đảm bảo sử dụng thuốc có hiệu quả nhất cho người bệnh. 

Tại các cơ sở khám chữa bệnh, dược sĩ lâm sàng có các nhiệm vụ sau:

- Đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và xác định xem các loại thuốc được bác sĩ chỉ định có đáp ứng tối ưu nhu cầu của người bệnh và mục tiêu điều trị hay không.

- Đánh giá sự phù hợp và hiệu quả của các loại thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng.

- Phát hiện các vấn đề sức khỏe mới phát sinh trong quá trình điều trị, những vấn đề này có thể được cải thiện hoặc giải quyết bằng liệu pháp dùng thuốc thích hợp.

- Theo dõi diễn tiến của người bệnh để xác định mức độ tác dụng của thuốc lên tình hình  sức khỏe của người bệnh.

- Thảo luận với bác sĩ điều trị và các nhân viên y tế khác trong nhóm điều trị cho người bệnh trong việc lựa chọn thuốc có thể đáp ứng tốt nhất theo nhu cầu của người bệnh, góp phần đạt mục tiêu điều trị.

- Tư vấn cho người bệnh cách sử dụng thuốc đúng nhất.

- Cùng với nhóm điều trị, hướng dẫn và giáo dục người bệnh các hoạt động khác để cải thiện hoặc duy trì sức khỏe, như tập thể dục, chế độ ăn uống thích hợp, chủng ngừa.

- Giới thiệu và chuyển bệnh nhân đến bác sĩ để khám hoặc đến các chuyên gia y tế khác để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Hình ảnh. Chăm sóc Dược lâm sàng

Chăm sóc dược lâm sàng: 

- Là quy trình chăm sóc bệnh nhân của người dược sĩ lâm sàng đảm bảo người bệnh được sử dụng thuốc phù hợp, hiệu quả và an toàn. 

- Dược sĩ lâm sàng sẽ trao đổi với bác sĩ điều trị và các nhân viên y tế khác có liên quan để xây dựng kế hoạch sử dụng thuốc cho bệnh nhân, nhằm đáp ứng mục tiêu điều trị cho từng bệnh nhân.

- Dược sĩ lâm sàng vận dụng kiến thức chuyên ngành dược lâm sàng, bao gồm dược động học, liều dùng, tác dụng phụ và tương tác thuốc, vào thực tế trong hoạt động chăm sóc bệnh nhân.

- Dược sĩ lâm sàng sẽ sử dụng kinh nghiệm lâm sàng để giải quyết các vấn đề sức khỏe của người bệnh thông qua việc chọn lựa và sử dụng hợp lý các loại thuốc theo y lệnh của bác sĩ điều trị.

- Dựa vào mối quan hệ mang tính chuyên nghiệp của dược sĩ lâm sàng với bệnh nhân để có lời khuyên phù hợp với từng người bệnh nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu và mong muốn của từng người bệnh.

Dược sĩ lâm sàng phải có bằng đại học Dược trở lên.

Theo Nghị định 131/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người làm công tác dược lâm sàng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có bằng tốt nghiệp trình độ đại học ngành dược trở lên (được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam).
Riêng người làm công tác dược lâm sàng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền thì cần có một trong các văn bằng được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam sau đây:
- Bằng tốt nghiệp trình độ đại học ngành dược trở lên được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam và có một trong các văn bằng, chứng chỉ về y dược cổ truyền quy định tại điểm i và l khoản 1 Điều 13 Luật Dược;
- Bằng tốt nghiệp đại học ngành dược cổ truyền trở lên;
- Bằng tốt nghiệp đại học ngành y học cổ truyền trở lên.

Đây là một chuyên ngành hứa hẹn sẽ trở nên thu hút các Dược sĩ trong thời gian sắp tới.

Nguồn: Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh 

            Nghị định 131/2020/NĐ-CP

 

#Pharmacy
Bình luận