5 phút đọc

4/10/2023

Bộ phim Inside Out - Hành trình tìm kiếm những mảnh ghép cảm xúc

Có bao giờ bạn tự hỏi cảm xúc nào chi phối bản thân nhiều nhất? Liệu có phải ai cũng chỉ muốn mình vui vẻ mà không cần sự buồn bã? Inside Out – bộ phim dài thứ 15 của Pixar có thể sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này. Với nội dung độc đáo và mới lạ, Inside Out đưa khán giả đi từ những bất ngờ này sang bất ngờ khác trong hành trình khám phá những bí ẩn của tâm hồn. Cách thể hiện tinh tế và thú vị của ê-kíp làm phim đã khiến người xem có một góc nhìn hoàn toàn mới về một "phiên bản" tâm hồn của chính mình.
 

 

Phim xoay quanh Riley và 5 cảm xúc tồn tại bên trong cô bé: Joy (Vui Vẻ), Sadness (Buồn Bã), Fear (Sợ Hãi), Anger (Giận Dữ) và Disgust (Chảnh Chọe). Nơi ngự trị bộ năm quyền lực này là Tổng hành dinh trong não bộ của Riley, được thiết kế trông giống như phòng điều khiển của một chiếc phi truyền vũ trụ. Thuyền trưởng được tất cả tin tưởng là Joy và thuyền viên làm mọi người lo lắng nhất đó chính là Sadness. Tổng hành dinh này cũng là nơi đầu tiên tiếp nhận những kí ức cùng với cảm xúc (tượng trưng bằng màu sắc) của Riley và được 5 cảm xúc quản lý và điều phối một cách chặt chẽ. 
 
 
Đang trong giai đoạn mới lớn, nay Riley lại phải tập thích nghi với môi trường mới khi chuyển nhà từ Minnesota đến San Francisco. Những xáo trộn từ bên trong lẫn tác động từ bên ngoài đã ảnh hưởng đến cô bé cũng như bộ 5 cảm xúc, khiến họ bận rộn và bối rối hơn bao giờ hết. Sadness trở nên mất kiểm soát và thường xuyên muốn chạm vào những "kí ức gốc" và làm chúng đổi màu, điều này rất nguy hiểm vì nó có thể thay đổi những suy nghĩ trong Riley mãi mãi. Cho nên, Joy đã phải tìm hết cách này cách khác để ngăn cản điều này. Trong một lần cãi vã, Joy và Sadness đã bị hút khỏi Tổng hành dinh và rơi vào mê cung của những ký ức dài hạn. Hành trình của Joy và Sadness trở lại với Tổng hành dinh của Riley để giúp em lấy lại cân bằng trong cuộc sống đầy trắc trở nhưng tràn đầy cảm xúc.
 
Càng đi sâu vào thế giới của tâm hồn cô bé Riley, Pixar càng cho người xem đi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác với sức tưởng tượng vô biên của họ. Trong phim có vô số thuật ngữ như chuyến tàu ý nghĩ, hạt nhân ký ức, nhà máy sản xuất giấc mơ... Mỗi hình ảnh trong thế giới tâm hồn này đều hợp thức hóa và lý giải trong đời thực. Chẳng hạn như chuyện chúng ta quên đi một điều gì đó sẽ giống như một hạt ký ức đã bạc màu và dần dần tan biến trong bãi rác của tiềm thức.
 
20150406__ap-us-film-inside-outp6-97591
Hay những tình tiết trong nhà máy sản xuất giấc mơ phản ánh quan niệm khoa học “ngày làm, đêm mơ”. Phần lớn giấc mơ chính là biến tấu từ những sự việc xảy ra hàng ngày hoặc những thứ ban ngày ta nghĩ về chúng quá nhiều. Trong Riley còn có cả hẳn một hòn đảo chỉ để nghĩ về chàng trai hoàn hảo sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ cô bé. Chính sự khoa học hóa này này khiến Inside Out trở thành một bộ phim hoạt hình hại não dành cho trẻ nhỏ nhưng lại được lòng giới phê bình và người lớn. Trên IMDb, Inside Out chễm trệ với số điểm 8,6/10. Còn trên Metacritic – trang web đánh giá phim khó tính hơn khi có sự bình phẩm của các nhà phê bình chuyên nghiệp, phim đạt điểm số ngất ngưởng 94/100.

 

Inside Out mang lại cho người xem sự thân thuộc, ấm áp lạ thường. Với bộ phim này, Pixar vẫn luôn là người bạn đặc biệt đồng hành cùng bao thế hệ người xem và mang đến cho chúng ta những khoảnh khắc diệu kì không thể tìm thấy ở bất kì nơi nào khác.

 

inside-out-islands-of-personality-joy-sadness-c6f4c

 

Mỗi bộ phim của Pixar thường có rất nhiều tầng ý nghĩa và Inside Out cũng không phải là một ngoại lệ. Bộ phim là bài học lớn cho tất chúng ta, từ người lớn cho đến trẻ nhỏ. Phim chỉ ra rằng, cuộc sống là sự trung hòa của nhiều thứ cảm xúc. Nghĩ đến hồi ức vui vẻ, chúng ta có thể cười, nhưng rồi cũng phải ngậm ngùi tiếc nuối vì nó chỉ là quá khứ. Chuyện vui dễ quên, nhưng chuyện buồn thì day dứt và mãi lắng đọng. Có lẽ ai cũng thích nhân vật Joy, nhưng nếu trong thế giới tâm hồn của Riley chỉ có mình Joy, cô bé sẽ mãi chỉ là một màu đơn điệu. Do đó, mỗi cảm xúc chính là một mảnh ghép kiến tạo tâm hồn, khiến ta nhìn đời với con mắt đa chiều, đa cảm. Câu chuyện cũng mang tính ẩn dụ về vai trò của mỗi thành viên trong một tập thể. 

 

Cuộc sống không phải lúc nào cũng chỉ có niềm vui. Cuộc sống là sự trung hoà của nhiều cảm xúc khác nhau. Chúng ta có thể cười, có thể khóc, có thể tức giận, cũng có thể sợ hãi, ghê tởm điều gì đó. Những cảm xúc nhiều màu sắc ấy đã làm nên thế giới tâm hồn đa cảm với kí ức phong phú. Niềm hạnh phúc không chỉ hiển hiện trong những kí ức tươi vui mà còn ở những kí ức đau buồn. Chỉ trong lúc buồn bã, ta mới cảm nhận được giá trị của niềm vui. Đó chính là hạnh phúc.

#Healthy Lifestyle
Bình luận