4 phút đọc

4/4/2023

Kháng sinh nhóm Quinolone

Đây là nhóm kháng sinh có nguồn gốc từ tổng hợp hóa học hoàn toàn. Tất cả các QUINOLONE được sử dụng nhiều trên lâm sàng đều là dẫn chất của Nalidixic acid, và đa số có gắn nguyên tử fluor (F), gọi là các FLUOROQUINOLONE.

DSDS.jpg

Cơ chế tác dụng nhóm Quinolone

Các kháng sinh nhóm này ức chế tổng hợp ADN vi khuẩn bằng cách ức chế 2 enzyme topoisomerase II (ADN gyrase) and topoisomerase IV (thế hệ 1 chỉ ức chế topoisomerase II). Ức chế ADN gyrase làm ngăn cản quá trình tháo xoắn của ADN, điều này là cần thiết cho sự khởi đầu sao chép và phiên mã. Ức chế topoisomerase IV cản trở sự phân tách ADN nhiễm sắc thể sau sao chép vào các tế bào con tương ứng khi phân chia tế bào.

Phổ kháng khuẩn nhóm Quinolone

Phổ kháng khuẩn được dùng để phân loại các thế hệ QUINOLONE. Hiện tại QUINOLONE được chia thành 4 thế hệ như được nói ở dưới.

Cơ chế kháng thuốc nhóm Quinolone

Các cơ chế đề kháng với kháng sinh nhóm QUINOLONE đã được nghiên cứu bao gồm: Thay đổi đích tác dụng của kháng sinh (ADN gyrase và topoisomerase IV), thay đổi tính thấm của màng tế bào vi khuẩn với kháng sinh, hoặc tăng cường biểu hiện các bơm tống thuốc. Khả năng đề kháng chéo giữa các kháng sinh cùng nhóm là không cao.

Dược động học nhóm Quinolone

Hấp thu: Các QUINOLONE nhìn chung có hấp thu qua đường tiêu hóa tốt và sinh khả dụng đường uống cao (80-95%). Hấp thu cũng như sinh khả dụng của các QUINOLONE bị giảm rất nhiều nếu dùng cùng các chế phẩm có chứa cation kim loại hóa trị II và III như nhôm, magnesi, calcium, sắt do chúng tạo phức chelate với thuốc. Nên dùng QUINOLONE 2 giờ trước hoặc 4 giờ sau khi sử dụng các sản phẩm chứa các cation kim loại này (điển hình là các Antacid).

Phân bố: Phân bố tốt vào các dịch và mô trong cơ thể.

Thải trừ: Thời gian bán thải nhìn chung thay đổi giữa các kháng sinh cụ thể (3-10 giờ). Levofloxacin, Gemifloxacin và Moxifloxacin có thể dùng 1 lần/ngày. Hầu hết các QUINOLONE được thải trừ ở thận thông qua cơ chế lọc ở cầu thận và/hoặc bài tiết ở ống thận và cần hiệu chỉnh liều ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận. Nhưng Moxifloxacin là 1 trường hợp đặc biệt. Nó được thải trừ chủ yếu qua gan, nên không cần hiệu chỉnh liều ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận, nhưng cần thận trọng ở bệnh nhân suy giảm chức năng gan.

Chỉ định nhóm Quinolone

Các FluoroQUINOLONE được chỉ định cho nhiễm trùng đường tiết niệu (ngoại trừ Moxifloxacin), bao gồm cả do trực khuẩn mủ xanh gây ra, tiêu chảy do vi khuẩn lỵ, thương hàn, E.coli và Campylobacter, nhiễm trùng da và mô mềm, nhiễm trùng xương khớp, nhiễm trùng ổ bụng, nhiễm trùng hô hấp (các QUINOLONE thế hệ 3 và 4), bao gồm cả nguyên nhân do trực khuẩn mủ xanh. Một số chỉ định khác bao gồm bệnh than (Ciprofloxacin), bệnh lậu (Gemifloxacin), viêm cổ tử cung và viêm niệu đạo do Chlamydia (Levofloxacin và Ofloxacin), lao non-tuberculosis (Ciprofloxacin, Levofloxacin và Moxifloxacin), viêm màng não do não mô cầu…

Các kháng sinh nhóm QUINOLONE là kháng sinh dự trữ trong đa số các trường hợp, chỉ dùng khi mà không có thuốc khác tốt hơn.

Tác dụng không mong muốn nhóm Quinolone

Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, nôn và tiêu chảy.

Rối loạn thần kinh: Đau đầu, chóng mặt, loạn thần…, đặc biệt khi dùng liều cao.

Nhạy cảm ánh sáng: Do cơ chế hình thành các gốc tự do của thuốc.

Tim mạch: Kéo dài khoảng QT trên ECG. Tránh hoặc thận trọng khi sử dụng các thuốc này trên bệnh nhân có nguy cơ kéo dài khoảng QT, hạ kali máu hoặc dùng cùng thuốc khác cũng có khả năng gây kéo dài khoảng QT như thuốc chống loạn nhịp nhóm IA (Quinidine, Procainamide…), nhóm III (Sotalol, Ibutilide, Amiodarone…), các kháng sinh nhóm Macrolide (Erythromycin, Clarithromycin, Azithromycin).

Gatifloxacin đã bị rút khỏi thị trường Hoa Kỳ năm 2006 do gây tăng đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường và hạ đường huyết ở bệnh nhân dùng thuốc hạ đường huyết đường uống (đã có case tử vong).

Không khuyến cáo sử dụng FluoroQUINOLONEs cho trẻ em dưới 18 tuổi do các nghiên cứu trên động vật cho thấy nó ảnh hưởng đến sự phát triển của sụn của động vật còn non. Tuy nhiên đây vẫn chỉ là nguy cơ mang tính lý thuyết và vẫn có những trường hợp bác sĩ sử dụng thuốc nhóm này cho trẻ em dưới 18 tuổi, đặc biệt là khi không có kháng sinh khác tốt hơn.

Các FluoroQUINOLONEs cũng gây viêm gân, đứt gân (đứt gân ít gặp hơn), đặc biệt là gân achilles. Nguy cơ này có khả năng xảy ra cao hơn ở người cao tuổi, suy thận, hoặc có sử dụng corticoid đồng thời.

Không sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai.

 

#Thuốc kháng sinh
Bình luận