13 phút đọc

4/2/2023

HỒN NƯỚC TIẾNG TA | SỰ KHÁC BIỆT TRONG VĂN HOÁ NGÔN NGỮ TIẾNG VIỆT

Cách sử dụng từ giữa hai miền Bắc - Nam có rất nhiều sự khác biệt thú vị. Chính điều này đã góp phần giúp tiếng Việt ngày càng thêm phong phú tuy đôi lúc cũng gây ra một số trở ngại nhất định.

Bài viết số 2  (1).png

📝 Ngôn ngữ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử luôn vận động, biến đổi, tiếp nhận và chuyển hoá để tạo nên kho từ vựng Tiếng Việt phong phú như ngày nay. Ngoài vay mượn ngôn ngữ ngoại lai thì một lượng lớn ngôn từ địa phương được hình thành đã góp phần làm “giàu” và “đẹp” hơn ngôn ngữ Tiếng Việt. Thật không ngoa khi nói rằng phương ngữ là một trong những yếu tố không nhỏ làm nên sự đa dạng cho ngôn ngữ Việt nói riêng và văn hóa Việt nói chung!

 

👥 Ngày nay, đi cùng với sự hội nhập một cách mạnh mẽ về văn hoá - kinh tế giữa các vùng miền, địa phương thì nhu cầu giao lưu ngôn ngữ cũng trở nên phổ biến hơn. Điều này đã trở nên lý tưởng để ngôn từ địa phương đi vào cuộc sống thường ngày cũng như sáng tác nghệ thuật.

 

  1. Nguồn gốc của sự khác biệt

Ngôn ngữ là thứ luôn luôn chuyển động, mỗi nơi sẽ có điều kiện thay đổi và tiến hoá khác nhau. Rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phát triển của Tiếng Việt, trong bài này chúng ta sẽ cùng nhắc lại một cách ngắn gọn một vài yếu tố nhé:

a. Yếu tố lịch sử

Thông qua các cuộc di dân người ta có thể lý giải được phần nào sự khác biệt về âm sắc giọng. Trong suốt thời Bắc thuộc và giai đoạn đầu của thời tự chủ, cư dân Việt - Mường chủ yếu tiếp xúc với ngôn ngữ và văn hóa của người Tày, người Hán. Sự tiếp xúc này tạo ra sự biến đổi nhất định về từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm như: rơi rụng âm tiết phụ, rơi rụng phụ tố, biến đổi phụ âm cuối, hình thành thanh điệu. Vào cuối thời kỳ Bắc thuộc, tiếng Việt ở Bắc Bộ và tiếng Việt ở Bắc Trung Bộ tách ra thành hai phương ngữ. Đến khoảng thế kỷ XII, tiếng Việt ở Bắc Bộ đã hình thành đến 6 thanh điệu; trong khi tiếng Việt ở Bắc và Trung Trung Bộ từ Thanh Hoá đến Bắc Quảng Trị chỉ có 5 thanh điệu, thậm chí một số thổ ngữ cổ ở vùng này chỉ có 4 thanh điệu.

b. Yếu tố địa lý

Lãnh thổ Việt Nam thống nhất tương đối thành một dải hình chữ S, tuy nhiên xen kẽ các vùng chuyển tiếp được ngăn cách bởi khá nhiều dãy núi, con sông lớn. Những dãy núi ngang ở miền Trung như Tam Điệp, Hoành Sơn, Bạch Mã... tạo thành rào cản tự nhiên mà trước thế kỉ XX khi khoa học công nghệ chưa phát triển, con người khó có thể vượt qua. Ngăn cách địa lý cũng khiến màu sắc giọng nói địa phương ít bị lai trộn. Sự cô lập tương đối về địa lý và khí hậu tạo nên sự khác biệt cho âm sắc ba vùng miền. Ngoài ra, với vị trí đặc biệt, các khu vực đồng bằng Trung Bộ không chỉ dừng lại giao tiếp nội khu mà còn mở rộng giao tiếp với nước ngoài thông qua cảng biển như: Hội An, Đà Nẵng... Bằng đường biển, khu vực này còn có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với vùng Đông Nam Bộ. Chính vì những lý do trên, dải đất Trung Bộ là nơi hình thành nhiều phương ngữ nhất, “âm sắc” giọng nói của người dân vì thế mà cũng đa dạng thêm.

c. Yếu tố kinh tế

Văn hóa Việt gắn liền với nền nông nghiệp gắn liền với tập tính sinh hoạt của người dân như: định cư thành làng xóm ven sông, tự cung tự cấp... Chính vì thế, như cầu trao đổi, thương mại hóa của người dân khi ấy rất ít. Người dân chủ yếu sinh sống trong nội bộ, làng xã, hạn chế di chuyển xa trừ khi có việc thật cần thiết. Vì vậy, sự phân hóa ngôn ngữ nói chung và “âm sắc” giọng vùng miền có sự phân hóa nhanh và rõ nét hơn so với những nền kinh tế gắn với du mục và thương nghiệp.

d. Yếu tố khác

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ. Cộng cư đan xen giữa các dân tộc là một đặc điểm cư trú phổ biến ở các vùng dân tộc. Nhất là trong tình hình hiện nay, đô thị hóa và nền kinh tế thị trường gắn với nhu cầu mưu sinh đang là nguyên nhân của các cuộc di dân mạnh mẽ, thì hiện tượng cộng cư càng tăng mạnh. Kết quả về mặt ngôn ngữ là sự hình thành các cộng đồng đa ngữ, theo đó, là sự tiếp xúc giữa các ngôn ngữ, tạo nên sự tương tác, ảnh hưởng qua lại giữa chúng và những hệ quả diễn ra trong đời sống của mỗi ngôn ngữ. Việc tiếp xúc với người bản địa khiến quá trình giao thoa và đan xen về mặt ngôn ngữ khiến cho ngôn ngữ dần bị khác đi kể cả cách phát âm lẫn cách dùng từ.

 

  1. Khác biệt như thế nào?

Đầu tiên, chúng ta phải biết được khái niệm từ ngữ toàn dân và từ ngữ địa phương

  • Từ ngữ toàn dân: là loại từ được sử dụng phổ biến và thống nhất với tất cả người dân trên toàn đất nước. Ví dụ: bố, mẹ, dứa, lợn, trâu, hoa,…

  • Từ ngữ địa phương: là những từ chỉ được sử dụng ở một hoặc một số địa phương nhất định. Ví dụ: thầy, u, tía, má, thơm, heo, tru, bông,…

Tuy nhiên, trong các từ điển phương ngữ vẫn có các trường hợp nhận diện chưa thật sự rõ ràng từ địa phương hay từ toàn dân, từ của địa phương này hay của địa phương khác. Ví dụ, từ láng – từ chỉ địa hình này được xem là “đặc sản” của Nam Bộ nhưng thực tế nó xuất hiện ngay giữa thủ đô Hà Nội từ rất lâu(còn lưu giữ trong các địa danh như Láng Thượng, Láng Trung, Láng Hạ); từ coi (đồng nghĩa với từ xem ở Bắc Bộ) đâu chỉ có người Nam Bộ dùng mà người Trung Bộ cũng xem như là từ cửa miệng từ xưa đến giờ. Từ áy (trong cỏ áy) là từ cổ nhưng cũng đang có mặt trong phương ngữ Nam Bộ. Từ bẹo (véo), nhận (ấn), lặt (nhặt), cứt ráy (ráy tai)…trong phương ngữ Trung Bộ và Nam Bộ đều có. Từ công (tha đi) được xác định là từ cổ nhưng cũng thấy có trong tiếng Trung Bộ.

Vậy nên, ở bài viết này chúng ta chỉ bàn đến những từ ngữ địa phương phổ biến thôi nhé!

a. Theo vùng miền, từ ngữ địa phương thường được chia làm 3 loại chính là:

  • Từ ngữ địa phương Bắc Bộ: bố, mẹ, bát, béo, cốc, chăn, cơm rang, dọc mùng, dứa, hoa,…Giọng miền Bắc có sự phân biệt thanh hỏi và thanh ngã rõ rệt nhất, cách phát âm phụ âm cuối đầy đủ nhất ở ba khu vực. Khẩu hình phát âm của người miền Bắc tròn hơn, nên âm được phát ra dày dặn, thâm trầm, nội lực hơn. Các tiếng trong một câu được người miền Bắc lựa chọn nhấn nhá rõ hơn tùy theo nội dung họ muốn diễn đạt. Tuy nhiên, ngay trong phạm vi miền Bắc, giọng nói cũng thay đổi từ vùng này sang vùng khác. Khởi đầu từ cực bắc với Sơn Tây, Lạng Sơn, Cao Bằng,… giọng miền bắc có một chút “ngọng nghịu” và phát âm [L] và [N] đều thành [N], ví dụ “long lanh” thành “nong nanh”, “nung nấu” thành “lung lấu”. Theo một vài nghiên cứu khảo cố, cách phát âm ngọng như vậy là một trong những dấu tích của âm cổ xưa còn sót lại. Giọng Hải Phòng và Hà Nội vẫn có một chút khác biệt, vì nghe như giọng Hải Phòng nặng hơn, giọng Hà Nội nghe có phần cách điệu, trang nhã hơn.

  • Từ ngữ địa phương Trung Bộ: mi – mày, tau – tao, chủi – chổi, đọi – bát, tru – trâu, bổ – ngã, mần – làm, vô – vào, mô – đâu / nào,…Giọng miền Trung thể hiện âm sắc địa phương rõ nhất so với hai vùng còn lại, hơn nữa nội bộ các huyện, tỉnh ở miền Trung cũng có sự phân biệt giọng đa dạng, phong phú. Góp nhặt từ vùng đất đầy nắng và gió, Nghệ An vẫn thừa hưởng những đặc trưng của phương ngữ miền Trung nhưng đồng thời lại mang nét rất riêng. Âm điệu và từ vựng của tiếng Nghệ An rất đặc sắc. Âm điệu giọng Nghệ An nặng và dày nhất trong hầu hết các giọng địa phương. Bên cạnh đó, người xứ Nghệ hay chuyển đổi thanh hỏi, thanh ngã sang thanh nặng chẳng hạn như “bình tĩnh”- “bình tịnh”, “có lẽ”- “cò lẹ”,... Ngoài ra, tiếng Nghệ đặc trưng đến mức có hẳn một hệ thống từ địa phương dồi dào, nên nếu bạn là người tỉnh khác đến đây sẽ rất khó để hiểu trọn vẹn một cuộc đối thoại của cư dân gốc. “Túi ra ri” phỏng nghĩa là “ tối thế này”, tương tự “gắt khi mô”- “gặt khi nào”, “ rọng su hung”- “ ruộng sâu không”,... Tiếng Nghệ đã trở thành đặc sản, tiếng Nghệ mang tính tự tôn cao, quý giá đến mức người dân nơi đây dù có đi đâu chăng nữa trở về mảnh đất này vẫn giữ được sự đặc trưng vốn có. Trong khi đó, dù thuộc nội bộ khu vực miền Trung, nhưng Bình Định, Phú Yên lại mang chất giọng khác biệt hẳn. Người khu vực này khi phát âm ít có sự phân biệt rõ các âm sau: r/d/gi, ch/tr, s/x,..., đồng thời thường đọc chại âm, đổi vần như: ê thành ơ (cà phê→ cà phơ) hoặc âm ê thành vần ia ( lấy về→ lấy dìa); vần êm/ iêm→ im (thêm vào→ thim vào); vần oa thành âm a (toa tàu→ ta tàu); vần uê thành âm ê ( huề nhau→ hề nhau);... Tương tự như giọng xứ Nghệ, tiếng Bình Định, Phú Yên cũng mang nét riêng tuy cùng được phát triển dựa trên vốn ngôn ngữ Việt.

  • Từ ngữ địa phương Nam Bộ: ba, má, bạc hà, chả lụa, chảnh, bắp, trễ, nói xạo, xỉn,…Giọng miền Nam thường được đánh giá rằng dễ nghe, dễ hiểu nhất nhưng nếu đi sâu khai thác, tìm hiểu về cấu âm, ngữ điệu... tiếng miền này cũng có khá nhiều điểm khác biệt đi cùng hệ thống từ vựng địa phương không kém phần phong phú, “độc lạ” tương tự như hai vùng miền vừa kể trên. Phương ngữ Nam Bộ có những nét khu biệt với phương ngữ Bắc Bộ hay Trung Bộ, mà những phương ngữ khác khó xâm nhập. Nếu ở miền Bắc tiếng Hà Nội khác tiếng Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình… thì ở Nam Bộ tiếng Sài Gòn và tiếng 13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung không khác nhau mấy. Nghĩa là chúng có sự thống nhất tương đối cao. Người Nam Bộ có phong thái nói nhanh, ít khi có sự phân biệt thanh hỏi và ngã.

b. Theo ý nghĩa, từ địa phương thường được chia làm 2 loại:

  • Từ ngữ địa phương có nghĩa tương ứng với nghĩa của từ toàn dân: tô – bát, tê – kia, honda – xe máy, xỉn – say, trứng gà – hột gà, xà bông – xà phòng,…

  • Từ đồng âm nhưng khác nghĩa so với từ toàn dân: cậu (nghĩa toàn dân là em trai của mẹ, nghĩa địa phương là anh trai của mẹ), té (nghĩa toàn dân là hắt nước, nghĩa địa phương là ngã), râu (nghĩa toàn dân chỉ một bộ phận trên cơ thể, nghĩa địa phương là trâu), lái (nghĩa toàn dân chỉ hành động điều khiển các phương tiện vận tải đi đúng hướng, nghĩa địa phương là lưới – vật thường dùng để ngăn chặn hoặc đánh bắt cá),…

c. Một vài ví dụ về sử dụng từ ngữ địa phương trong văn học Việt Nam

  • Trong bài "Bầm ơi" Tố Hữu có viết: "Con ra tiền tuyến xa xôi/ Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền". Trong hai câu thơ trên có từ "bầm" để chỉ mẹ. "Bầm" ở đây là từ ngữ địa phương Nam Bộ thể hiện được tình yêu với mẹ. Không chỉ vậy còn tăng tính nghệ thuật trong thơ. Tránh lặp từ trong cùng một cầu gây nhàm chán. 

  • Trong "Chiếc lược ngà” Nguyễn Quang Sáng có viết: "Con kêu rồi mà người ta không nghe", "kêu" là từ ngữ địa phương có nghĩa là "gọi". Qua đó khắc họa được lối sống sinh hoạt của người dân Nam Bộ, thể hiện được sự thân thương và gần gũi trong cuộc sống thường ngày

d. Tóm lại

Tuy ít trau chuốt, không khuôn định hình thức rạch ròi… nhưng giọng nói địa phương luôn giữ vị trí quan trọng trong ngôn ngữ nói riêng và văn hóa Việt nói chung. Tiếng nói địa phương cũng hệ thống từ vựng riêng biệt giúp cho tiếng Việt có được khả năng nội sinh và duy trì qua nhiều thế hệ. 

Chúng ta phải khẳng định rằng sự phân định khu vực giọng vùng miền chỉ mang tính tương đối nhằm chỉ ra sự khác biệt cơ bản trong cách phát âm và hệ thống từ vựng đặc trưng. Sự phân biệt trên không nhằm tạo sự ngăn cách giữa người dân các vùng. Quá trình đô thị hóa khiến dân cư tại mỗi khu vực đa dạng hơn, tuy có sự chênh lệch giữa dân bản địa và dân ngoại tỉnh. Lòng tự tôn quê hương luôn tồn tại trong bản thân mỗi người dù họ có thay đổi chỗ ở hay nơi làm việc.

Cùng với sự phát triển ngôn ngữ một cách mạnh mẽ đã làm xuất hiện các biến thể khác nhau tại các vùng khác nhau của cùng một tiếng dân tộc. Đây cũng là một bài toán khó giải cho việc lựa chọn biến thể nào là “biến thể chung” cho một tiếng dân tộc trên sóng phát thanh truyền hình và trong giáo dục, vấn đề  làm chữ viết, chọn chữ viết cho tiếng dân tộc thì lại càng khó khăn: tiếng dân tộc làm sao vừa thỏa mãn việc bảo tồn tính thuần khiết của ngôn ngữ văn hóa dân tộc lại vừa “mở cửa” tiếp nhận các yếu tố của tiếng Việt.

Tài liệu tham khảo: 

[1] Lê Thuỵ Mỹ Ngân, Giọng vùng miền trong giao tiếp - 'Rào cản' hay 'dấu ấn'?, BRANDS VIETNAM;

[2] Nguyễn Văn Khang, Tiếp xúc giữa các ngôn ngữ tại vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học Đại học Tân Trào số 4.

#University
Bình luận