18 phút đọc

3/20/2023

Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng: “Tôi chưa bao giờ mong có nhiều bệnh nhân”

Bác sĩ Chuyên khoa II Hoàng Quốc Tưởng đang hoạt động trong nhiều vai trò từ giảng viên đại học, bác sĩ và là một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.
>
BS Nguyễn Trung Nghĩa: “Bác sĩ là nghề mẹ muốn nhưng tôi cũng thích”

Dr chuot-01.jpg

Chuỗi bài viết Chân dung y nhân là những cuộc trò chuyện sâu sắc, từ tận đáy lòng với những người đảm nhiệm sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tiếp nối bài viết đầu tiên, với bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, hôm nay, chúng tôi trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện với bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng. 

Dr chuot-02.jpg

Dy Khoa: Cách đây 3-4 năm, ở lần làm việc chung, cảm giác đầu tiên của tôi khi gặp Bác sĩ Tưởng là sợ. Không biết có ai từng nói vậy với bác sĩ chưa?

BS Tưởng: Thực ra đa phần đều có cảm giác như vậy, nhưng mà không phải do tôi cố tình. Tôi nghĩ mỗi người sẽ có một màu sắc khác nhau, một số người có màu “nhẹ nhàng”, “điềm tĩnh” hay màu “thu hút”, còn tôi màu “sợ” (cười). Thôi thì ít nhất là lần đầu tiên mình đã tạo được cho người ta một ấn tượng gì đó, tôi coi đó là một thành công. Tôi trân trọng cá tính của bản thân và sẽ không bao giờ đi tìm kiếm những cái không thuộc về mình vì như vậy sẽ khiến mình cảm thấy rất khó chịu.

Dy Khoa: Ở bác sĩ toát lên một năng lượng rất dồi dào và tích cực. Đó có phải là điều được hình thành từ nhỏ?

Bác sĩ Tưởng: Có lẽ từ lúc nhận thức được về bản thân, tôi đã là một con người nhiều năng lượng như vậy. Nhưng nhờ những cột mốc của cuộc đời, những con người từng gặp gỡ, những trải nghiệm ở nhiều nền văn hóa khác nhau, vẫn là nguồn năng lượng tích cực nhưng dần biết cách điều tiết hơn, dùng đúng lúc đúng chỗ chứ không để nó bộc phát theo bản năng như ngày xưa.

Dr chuot-05.jpg

Dy Khoa: Khi nhìn lại, điểm gì ở bản thân lúc xưa khiến bác sĩ nhận thấy không tốt và đã thay đổi?

Bác sĩ Tưởng: Ở thời điểm hiện tại, khi mọi người nhìn vào, ai cũng sẽ nghĩ tôi rất tự tin. Đúng là tôi tự tin. Nhưng trong cuộc sống, qua quá trình lớn lên, học tập và làm nghề, tôi cũng trải qua rất nhiều biến cố. Nó giúp tôi thay đổi bản thân. Không ai ngay từ đầu đã trở thành một phiên bản hoàn hảo. Mà trên đời này có ai hoàn hảo đâu nhỉ, tôi nghĩ hoàn hảo không có thật trên đời (cười)

Tôi học cách chấp nhận những chuyện xảy ra trong cuộc sống của mình. Tôi nhận ra cuộc đời phải có những chuyện khó khăn xảy ra. Quan trọng nhất là mình phải tìm cách để vượt qua nó. Chỉ khi có thất bại, chính là lúc chúng ta nhìn nhận lại bản thân mình đã làm tốt hay chưa, tốt cái gì, chưa tốt cái gì và phải thay đổi thế nào để ngày mai tốt hơn.

Tôi luôn dặn mình phải nỗ lực mỗi ngày, không phải là để mình ở vị trí hạng nhất hay hạng nhì. Quan trọng là mình học hỏi để mình hơn mình của ngày hôm qua.

Dy Khoa: Bác sĩ nói gì với chính mình, như một lời răn để mình tốt hơn mỗi ngày?

Bác sĩ Tưởng:  Đó là không bao giờ được tự cao, tự tin thì tốt nhưng tự cao thì sẽ giết chết mình. Ngay thời điểm mình tự tin nhất cộng thêm sự tự cao nữa thì có thể là sự thụt lùi của bản thân. Đối với cá nhân mình, tôi chưa bao giờ nghĩ mình là giỏi, chứ đừng nói giỏi nhất. Nhưng mọi thứ của tôi nó hài hòa nhất định. Do đó tôi hoàn toàn có thể tự hào về mình và cả hành trình mà mình đã đi qua.

Dr chuot-06.jpg

Dy Khoa: Bài học nào mà bác sĩ khắc ghi tới tận bây giờ?

Bác sĩ Tưởng: Ngày xưa, khi học nội trú Nhi luôn được mọi người đánh giá rất cao. Điều đó, nhiều lúc, làm mình rất chủ quan. Tôi cứ nghĩ là tất cả nằm trong tầm kiểm soát của mình. Nhưng nghề này nó không phải vậy - còn rất nhiều thứ cần phải học hỏi và cần phải đầu tư nghiên cứu. Lúc đó, tôi đã có những phán quyết, sai lầm; làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân.

Có những trường hợp tôi không cứu được bệnh nhân, lúc này tự bản thân cũng cảm thấy hoài nghi về chính khả năng của mình. Cảm giác lúc đó là vừa sợ, vừa trách vì mình mà bệnh nhân không được cứu được. Tôi sợ không đủ năng lực để tiếp tục với con đường. Con đường hành nghề y là con đường rất mong manh, giúp được cho bệnh nhân hay hại bệnh nhân chỉ cách nhau gang tấc. Những lúc đó, tôi muốn bỏ cuộc, nói thật là hơn hai lần, tôi muốn từ bỏ con đường này rồi.

Người làm nghề y, nhất là từ trải nghiệm của tôi, không được tự tin quá. Không bao giờ được tự tin quá vào những cái mà mình biết bởi vì có những thứ mình không thể đoán trước được; nhất là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Dr chuot-07.jpg

Dy Khoa: Bác sĩ vừa nói là có ý định muốn bỏ nghề. Vậy thì đâu là động lực để bác sĩ không bỏ nghề mà quay lại?

Bác sĩ Tưởng: Tính từ khi ra trường năm 2008 đến nay, tôi đã có 15 năm theo nghề. Đúng là có những nỗi buồn nhưng không ít niềm vui. Đó chính là lý do níu kéo tôi ở lại với nghề. Nhờ mình mà một bệnh nhân được cứu sống và họ cảm thấy biết ơn mình. Mặc dù, mình làm không phải để người ta biết ơn nhưng đôi khi trong những lúc buồn nhất, bỗng nhận được một tin nhắn, một lời động viên từ những bệnh nhân cũ - những người mình đã cứu sống thì đó chính là sự bù đắp, sự an ủi lớn nhất. Tôi luôn biết ơn những thành công và thất bại mình đã trải qua vì nó giúp cho mình có được như ngày hôm nay.

Bây giờ, tôi không còn hoài nghi nhiều về con đường đi của mình. Có lẽ vì cũng sắp già rồi. Tôi vẫn chọn ở lại bởi vì biết là còn có nhiều người cần mình. Mình ở lại. Tôi nhớ đến câu nói đại ý là “Bạn hãy sống một cuộc đời đáng sống”. Thành công, hay thất bại đều đáng giá, và tôi cảm ơn vì những điều đó. Nếu chỉ có thành công sẽ khiến mình tự mãn, mà chỉ toàn thất bại sẽ khiến mình tự ti.  Nhưng cân bằng được cả hai sẽ giúp mình có nhiều động lực hơn trong cuộc sống. Biết ơn về những lỗi lầm của quá khứ, giúp cho mình có thể trưởng thành hơn của ngày hôm nay. Tôi ở hiện tại vẫn là một con người nhiều năng lượng nhưng bớt háo thắng hơn, điềm tĩnh hơn, yên bình hơn nhiều rồi!

Dy Khoa: Đã ai nói Bác sĩ Tưởng không phù hợp với ngành y?

Bác sĩ Tưởng: Nhiều lắm. Có thể do mình không giống những quy chuẩn, định kiến mà nhiều người đặt ra với ngành y. Tuy nhiên, với tôi, những gì thuộc về đạo đức nghề nghiệp thì phải giữ gìn. Nhưng về cá tính của con người thì phải đa dạng. Chuyện hợp hay không đơn giản ở việc mỗi sớm mai thức dậy đi làm, mình có cảm thấy yêu thích công việc đó hay không? Và cho tới thời điểm này, tôi vẫn thấy hân hoan với nó, với tôi vậy là hợp. Mình chỉ mang một sức nhỏ của bản thân, với mong muốn những đứa trẻ Việt Nam có một sức khỏe tốt hơn vì tương lai của chúng ta sẽ nằm trong tay các bạn nhỏ ấy.

Dr chuot-08.jpg

Dy Khoa: Suy nghĩ tương lai đất nước nằm trong tay các bạn nhỏ đã hình thành từ khi nào?

Bác sĩ Tưởng: Các bạn nhỏ dạy cho tôi nhiều thứ lắm như sự kiên nhẫn. Tôi cũng nhận ra được những giá trị cốt lõi khi là một bác sĩ nhi. Thoạt đầu chỉ nghĩ đơn giản mình cứ làm tốt công việc của mình thôi để những đứa trẻ đến với mình sẽ được chữa bệnh tốt nhưng bây giờ không phải chỉ vậy mà chuyện phòng ngừa cũng rất quan trọng. Ví dụ như với bệnh tim bẩm sinh thì bây giờ phải sàng lọc từ khi mẹ mang bầu, hạn chế tối đa nguy cơ đứa trẻ sinh ra bị bệnh. Cũng vì để cho tất cả các mẹ có những kiến thức chăm sóc con của họ tốt hơn để làm sao đừng có bệnh nên tôi đi theo con đường truyền thông sức khỏe.

Dy Khoa: Tuy nhiên, nếu ít bệnh nhân thì sẽ giảm nguồn thu của bác sĩ. Bác sĩ nghĩ sao?

Bác sĩ Tưởng: Điều này ở tầm vĩ mô thì tôi không có đủ sức để trả lời thỏa đáng. Đúng là ở tại thời điểm này có rất nhiều bác sĩ phải đi làm những công việc khác nhau để có thể trang trải cho cuộc sống nên gần như không có nhiều thời gian để tập trung vào chuyên môn. Tôi nghĩ các cấp lãnh đạo sẽ nhận ra được chuyện đó và có những cái cải cách để thay đổi. Nhưng thực sự, tôi chưa bao giờ mong là mình sẽ đông bệnh nhân. Khi bệnh nhân đến vượt tầm kiểm soát thì tự nhiên lúc đó chất lượng đi xuống liền. Sức khỏe của mình cũng có hạn và chỉ có thể làm tốt ở chừng mực nhất định, tầm 15-20 người mỗi buổi là đủ. Tôi cần chất lượng chứ không thể nào chạy theo số lượng vì phải đi đường dài. Tôi luôn mong muốn mỗi bệnh nhân đến với mình đều có trải nghiệm tốt. Quan trọng là bản thân mình mình biết đủ là đủ.

Dy Khoa: Hình ảnh của bác sĩ khi đi dạy với đi làm có khác nhau lắm không?

Bác sĩ Tưởng: Khác chứ (cười). Khi trò chuyện với mọi người, tôi thường rất vui vẻ, còn khi đi làm hay đi dạy sẽ nghiêm khắc hơn chút xíu. Thật ra tôi muốn rèn luyện cho sinh viên áp lực vì nếu không có áp lực thì các bạn sẽ không bao giờ phát triển, chỉ có áp lực mới khơi dậy tất cả tiềm năng trong con người của mình. Vốn dĩ sức chịu đựng của chúng ta cao hơn rất nhiều so với mình nghĩ.

Tôi luôn nhắc nhở sinh viên phải trân trọng mỗi cơ hội được gặp bệnh nhân, gặp một ca bệnh lạ, mới có khi trong cuộc đời có thể chỉ gặp một lần. Bệnh nhân là người thầy vĩ đại và tuyệt vời nhất để cho mình tiến bộ. Dù tâm lý của nhiều người là bác sĩ sẽ cứu người nhưng tôi thường nói sinh viên là hãy cố gắng học để đừng bao giờ hại bệnh nhân. Như vậy là đã thành công rồi. Những người từng học tôi thì họ vẫn sợ tôi nhưng sau một thời gian thì lại gửi những lá thư cảm ơn và mong tôi không phải thay đổi gì hết (cười).

Dr chuot-09.jpg

Dy Khoa: Bác sĩ có nguyên tắc nào giữa cá nhân với sinh viên?

Bác sĩ Tưởng: Nếu hỏi có nguyên tắc không thì có. Tính tôi rất rõ ràng. Nguyên tắc của tôi là vui vẻ, thân thiện nhưng vẫn phải có giới hạn. Ai đó muốn làm bạn với tôi khi đang là sinh viên thì gần như là khó nhưng khi trở thành đồng nghiệp rồi thì có thể nói chuyện thoải mái với nhau. Tôi không bắt các bạn ấy phải giống tôi. Bởi vì tôi cũng không phải là phiên bản hoàn hảo. Tôi giúp các bạn cố gắng đi tìm tiềm năng bên trong các bạn ấy để có thể phát triển nó tối ưu nhất.

Với tôi, sinh viên không được nhắn tin qua mạng xã hội cho giảng viên và mọi thứ phải qua email, còn nếu gấp thì em có thể điện thoại và đến gặp trực tiếp. 15 năm đi dạy chưa bao giờ có một sinh viên nào dám nhắn tin riêng cho tôi, nếu đó không phải là công việc.

Dy Khoa: Khi mà bác sĩ trở thành người nổi tiếng và đồng thời công tác trong ngành y. Cả hai đều bắt buộc giữ hình ảnh rất nhiều. Vậy bác sĩ có cảm thấy khó khăn?

Bác sĩ Tưởng: Vấn đề ở đây là sự lựa chọn và chấp nhận. Lựa chọn đầu tiên là mình là chọn nghề này, thứ hai là lựa chọn trở thành một người truyền cảm hứng nên mình phải chấp nhận giữ hình ảnh. Tuy nhiên, mọi người đừng quá khắt khe với hình ảnh đó. Tôi chỉ đang truyền cảm hứng trong một lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho các bé và luôn cố gắng làm tốt nhất vai trò của mình trong lĩnh vực đó. Còn ở ngoài đời cũng chỉ là một con người bình thường thôi, đi chơi với bạn bè cũng đùa giỡn, cũng là đứa con bé bỏng của ba mẹ khi ở nhà (cười).

Dr chuot-03.jpg

Dy Khoa: Bác sĩ có nguyên tắc nào với nhãn hàng?

Bác sĩ Tưởng: Đầu tiên nhãn hàng phải do tôi lựa chọn. Cái thứ hai là tôn trọng sự thật, không phải họ muốn nói gì cũng được. Gần như là nội dung do tôi quyết định, chỉ là cách chuyển tải nội dung đó sao cho thú vị, hiệu quả thì sẽ hợp với nhau. Nguyên tắc cố hữu của tôi là không sửa quá hai lần. Tôi luôn làm rõ ngay từ đầu với nhãn hàng nếu họ đồng ý thì triển khai, nếu không thì dừng lại. Mình tôn trọng nhãn hàng nhưng vẫn có những nguyên tắc riêng của mình. Quan điểm của tôi là chỉ cần 80% những người đã làm việc với mình quay lại nữa là thành công.

Dy Khoa: Lúc đầu, bác sĩ làm việc với nhãn hàng và nhận được khoản tiền đầu tiên không phải từ nghề, bác sĩ có cảm giác ái ngại không?

Bác sĩ Tưởng: Tôi không ái ngại vì tôi hiểu đó là giá trị của bản thân mình. Nếu như không xứng đáng với giá trị thì tôi đã không làm. Tất cả nội dung đều do tôi tìm hiểu, viết bài, lên ý tưởng, không ai có thể làm thay được. Đó là giá trị của tôi được xây dựng từ nền tảng kiến thức mà mình tích luỹ được trong vòng 15 năm làm nghề mà.

Dy Khoa: Vậy thì ai là người thoả thuận với nhãn hàng?

Bác sĩ Tưởng: Việc đó đa phần do ekip làm nhưng có sự cố vấn của tôi. Các bạn cũng đã làm việc với tôi một thời gian nên hiểu tôi, quan trong là cũng rất thương tôi nên công việc khá trơn tru.

Dr chuot-04.jpg

Dy Khoa: Bác sĩ có bị áp lực?

Bác sĩ Tưởng: Áp lực là có. Áp lực đi dạy là phải cập nhật kiến thức vì chuyện học không thể nào dừng lại. Bài giảng mình phải cập nhật, thay đổi làm sao sinh viên tiếp thu hiệu quả. Khi làm truyền thông, áp lực là mỗi ngày phải ra nội dung mới. Với số lượng công việc như vậy chưa kể là còn có gia đình, bạn bè nữa thì chắc chắn là phải có áp lực. Tôi không cân bằng được nhưng tại từng thời điểm tôi biết ưu tiên cái gì.

Có thể người ta nhìn vô, tôi không có gì giỏi nhất nhưng tôi có thể hài hòa các vai trò. Những người xung quanh tôi giỏi nhiều hơn tôi nhiều lắm. Tôi nhìn họ để lấy động lực giúp mình phát triển mỗi ngày.

Dy Khoa: Có một cái áp lực hữu hình khi nói chuyện với đồng nghiệp y và bác sĩ không phải giỏi nhất nên cũng sẽ bị ngại?

Bác sĩ Tưởng: Đương nhiên rồi. Ví dụ bây giờ gặp những thầy cô lớn, những người đầu ngành tự bản thân cảm thấy rất là bé nhỏ và khép nép lại. Nhưng tôi luôn trân trọng cơ hội làm việc với những người giỏi và sẽ làm hết sức trong khả năng để vừa làm vừa học từ những người đó. Không chỉ vậy tôi vẫn học hỏi từ những người bạn và đàn em. Tôi luôn muốn học hỏi những cái mới chứ không sợ người ta đánh giá mình. Khi khám bệnh, tôi nói bệnh nhân chờ một chút để lật sách ra coi lại chỗ này vì điều đó sẽ an toàn hơn cho bệnh nhân. Con đường học của tôi vẫn sẽ tiếp tục, tôi không quá thông minh hay xuất sắc nhưng rất chăm chỉ và cần cù.

Dy Khoa: Do từng làm việc với nhau một thời gian, tôi cảm giác bác sĩ là một người khá yếu đuối. Những lúc đó thì bác sĩ tìm ai để tâm sự?

Bác sĩ Tưởng: Thật ra tôi là người cũng hay buồn. Có những đêm có ca cấp cứu, phải chạy xe một mình đến bệnh viện. Có những ca thành công, cũng có những ca thất bại. Lúc đó, tôi cảm thấy yếu đuối chứ.

Nhưng lúc yếu đuối, tôi thường không chọn giãi bày nhiều vì tôi nghĩ trong cuộc đời của mỗi người sẽ luôn có những nỗi buồn riêng và mình đã chọn con đường truyền đi năng lượng tích cực. Tôi thường cố gắng tái tạo năng lượng của mình bằng cách đi học nhảy, đi du lịch, tập thể dục, thỉnh thoảng có thể uống cocktail một mình. Vì vậy, vẫn có những lúc yếu đuối nhưng mà đa phần mọi người sẽ không nhìn thấy.

Dr chuot-10.jpg

Dy Khoa: Nhưng mà rõ ràng cứ tự chữa lành như vậy thì đến một lúc có thể bùng nổ?

Bác sĩ Tưởng: Có. Những lần bùng nổ thì tôi lại đổ vô những người bên cạnh. Ví dụ như bạn thân. May quá cho đến bây giờ thì mọi chuyện vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tôi học được một điều là không kỳ vọng vào bất kỳ ai quá nhiều thì sẽ không bị thất vọng. 

Tôi mong là khi mình chia sẻ câu chuyện buồn, chỉ cần họ lắng nghe cũng đã giúp cho tôi vơi đi phần nào rồi. Còn lại phải do tự bản thân mình mà thôi. Những lúc bị bệnh, nhưng vì trách nhiệm công việc, vẫn phải cố đi làm. Khi về đến nhà mệt quá, lúc đó thật sự cũng rất yếu đuối. Nhưng dù có khóc sưng mắt thì mai vẫn tươi cười và tiếp tục công việc. Tôi vẫn muốn bản thân mình sẽ tự vượt qua sự yếu đuối đó hơn là phải phụ thuộc vào một ai đó bên cạnh.

Dy Khoa: Nhưng mà trong đâu đó vẫn cần một người bên cạnh đúng không thưa bác sĩ? 

Bác sĩ Tưởng: Tôi vẫn cần nhưng không phải bất chấp tất cả để có được. Tôi cần đúng người yêu thương mình, mang lại giá trị về mặt tinh thần, làm mình vui vẻ hơn trong cuộc sống, lúc mà mình mệt mỏi mình có thể dựa vào (cười mỉm).

Dy Khoa: Những người theo nghề y đều giỏi nên có thường đặt ra những tiêu chuẩn cao cho đối phương?

Bác sĩ Tưởng: Đúng nhưng tôi nghĩ mình không phải vậy. Nếu như cứ đặt ra một tiêu chuẩn thì vô hình chung tự nhiên mối quan hệ đến với mình đều là sự tính toán. Tôi cần là tình cảm thật lòng, có nghĩa là người đó phải thương mình, tức là chấp nhận được sự khó chịu của mình, vậy là ổn (cười)

Dy Khoa: Bác sĩ Tưởng có điều nhắn nhủ gì đến các thế hệ bác sĩ tương lai?

Bác sĩ Tưởng: Tôi chỉ mong muốn mọi người giữ được tinh thần chiến binh để đối mặt với những áp lực trong nghề y và vượt qua nó. Tôi tâm đắc 2 chữ “Dấn thân”, từ mà tôi đã đọc được từ bài phỏng vấn của người Thầy của mình. Dấn thân có nghĩa là khi đã chấp nhận làm công việc này thì mình phải chấp nhận hy sinh bản thân mình nhiều hơn để cống hiến, giúp ích được cho rất nhiều người đang cần đến mình. Các bạn đừng nên quá chạy theo những hào nhoáng bên ngoài mà quên đi sự rèn luyện cốt lõi bên trong. Vì nếu như vậy thì sẽ rất dễ bị sa ngã.

Bài viết: Dy Khoa. Ảnh: Thành Luân. Thiết kế: Duy Hưng.

Trân trọng cảm ơn sự đồng hành của Thời trang y tế THE KIM - 182 Lê Lai, Quận 1, TP HCM.
>Hướng dẫn tham gia chia sẻ nội dung vì nhân viên y tế cơ sở

#Healthy Lifestyle
Bình luận