Theo Điều 12 Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BYT năm 2019, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm phải được thực hiện theo Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Vậy quy trình này cụ thể là gì?

Ảnh: Freepik
Thông tư số 12/2012/TT-BYT của Bộ Y tế đã ban hành quy định về Quy trình kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm.
Chương IV của Thông tư này nêu rõ quy trình thụ tinh trong ống nghiệm, bao gồm các điều từ 8 đến 28.
Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
Tại Điều 10, quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) được trình bày như sau:
1. Đại cương: thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là kỹ thuật hỗ trợ sinh sản trong đó tinh trùng cho thụ tinh với noãn trong đĩa cấy (đĩa Petri). Phôi thu được sẽ chuyển vào buồng tử cung để làm tổ hoặc sẽ được đông lạnh để sử dụng sau.
2. Chỉ định:
a) Các trường hợp vô sinh do tắc vòi tử cung;
b) Vô sinh do lạc nội mạc tử cung;
c) Vô sinh do bất thường về phóng noãn (không phóng noãn, kém phóng noãn, buồng trứng đa nang, người bệnh lớn tuổi);
d) Vô sinh do tinh dịch đồ bất thường;
đ) Vô sinh không rõ nguyên nhân;
e) Đã áp dụng bơm tinh trùng vào buồng tử cung nhưng không có kết quả.
3. Chống chỉ định: Các trường hợp vô sinh do nguyên nhân buồng tử cung.
4. Chuẩn bị:
a) Chuẩn bị người bệnh (khám, tư vấn, kích thích buồng trứng);
b) Chuẩn bị mẫu tinh trùng (xem phần lọc rửa mẫu tinh trùng);
c) Chuẩn bị các phương tiện dụng cụ: máy siêu âm có đầu dò âm đạo, tủ thao tác, tủ cấy CO2;
d) Chuẩn bị vật tư tiêu hao: kim chọc hút noãn, các đĩa cấy, đĩa nhặt noãn, các loại pipette, các loại môi trường.
5. Quy trình:
a) Thăm khám cặp vợ chồng;
b) Làm các xét nghiệm cơ bản cần thiết;
c) Đánh giá dự trữ buồng trứng (xét nghiệm nội tiết, siêu âm đếm nang thứ cấp đầu chu kỳ kinh);
d) Kích thích buồng trứng (phác đồ ngắn agonist, phác đồ antagonist, phác đồ dài);
đ) Theo dõi sự phát triển nang noãn bằng siêu âm và định lượng hormon estradiol, progesteron, LH;
e) Tiêm hCG giúp trưởng thành nang noãn khi đủ điều kiện;
g) Chọc hút noãn qua đường âm đạo dưới hướng dẫn của siêu âm sau mũi tiêm hCG từ 34 đến 36 giờ;
h) Sử dụng progesteron hỗ trợ pha hoàng thể ngay sau chọc hút noãn;
i) Đồng thời lấy mẫu tinh trùng, chuẩn bị mẫu tinh trùng bằng phương pháp lọc rửa;
k) Cho tinh trùng thụ tinh với noãn theo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển (IVF) hoặc bằng phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI);
l) Nuôi cấy trong tủ cấy 37oC và 5% CO2 hoặc 6% CO2 tùy loại môi trường yêu cầu;
m) Kiểm tra sự thụ tinh sau 16 đến 18 giờ;
n) Tiếp tục nuôi phôi trong tủ cấy đến ngày 2, ngày 3 hoặc ngày 5;
o) Chuyển phôi ngày 2, ngày 3 hoặc chuyển phôi ngày 5 (phôi nang);
p) Tiếp tục sử dụng progesteron hỗ trợ pha hoàng thể;
q) Xét nghiệm βhCG 14 ngày sau chuyển phôi hoặc 12 ngày sau chuyển phôi blastocyte, có thai sinh hóa khi β hCG ≥ 25 đv/L;
r) Siêu âm đường âm đạo sau 28 ngày chuyển phôi nếu có thai sinh hóa.
Tư vấn cho một cặp vợ chồng thụ tinh trong ống nghiệm
Căn cứ theo Điều 7 của Thông tư này, quy định việc tư vấn cho một cặp vợ chồng thụ tinh trong ống nghiệm được nêu như sau:
1. Yêu cầu: thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư này.
2. Nội dung:
a) Giải thích quy trình điều trị cho vợ chồng bao gồm thăm khám lâm sàng, làm xét nghiệm, phác đồ kích thích buồng trứng, thời gian dùng thuốc, theo dõi trong quá trình dùng thuốc;
b) Thời gian dự kiến chọc hút noãn, giải thích cần lấy tinh trùng thời điểm này;
c) Thời gian dự kiến chuyển phôi;
d) Hỗ trợ pha hoàng thể, theo dõi sau chuyển phôi;
đ) Tỷ lệ thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm;
e) Các tai biến có thể xảy ra;
g) Chi phí điều trị.
Ngoài ra có một vài trường hợp đặc biệt gồm tư vấn cho các trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm xin noãn, các trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm do người chồng không có tinh trùng và các trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm xin phôi được quy định tại Điều 9 Thông tư này.