3 phút đọc
3/13/2023
Nguyên nhân số lượng trẻ mắc virus hợp bào hô hấp gia tăng
Từ đầu năm 2023 đến ngày 05/03/2023, tổng số ca nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) ghi nhận trong toàn Bệnh viện Nhi Trung ương là 1.025 trường hợp. Chỉ tính riêng từ ngày 01/03 - 05/03, bệnh viện đã khám và điều trị cho 157 ca.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm dịch y tế biên giới
🦠Virus hợp bào hô hấp là gì?
Virus hợp bào hô hấp (RSV) là một loại virus RNA, được phân loại như là một virus gây viêm phổi. Hầu hết trẻ em đều bị nhiễm bệnh ở tuổi lên 4.
Sự bùng phát xảy ra hàng năm vào mùa đông hoặc đầu mùa xuân ở nơi có khí hậu ôn đới. RSV là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh đường hô hấp dưới ở trẻ sơ sinh. Ước tính 60% trẻ nhiễm trước 1 tuổi và có đến 80% trẻ đã nhiễm RSV khi được 2 tuổi.
🦠Triệu chứng nhiễm virus hợp bào hô hấp
Bệnh RSV thường bắt đầu với các triệu chứng hô hấp trên và sốt, sau đó tiến triển trong vài ngày đến khó thở, ho, thở khò khè, và/hoặc rale ẩm khi nghe phổi. Ngừng thở có thể là triệu chứng ban đầu của RSV ở trẻ sơ sinh dưới 6 tháng.
Ở người trưởng thành khỏe mạnh và trẻ lớn, bệnh thường nhẹ và có thể không rõ ràng hoặc biểu hiện chỉ như là bệnh cảm lạnh không sốt. Tuy nhiên, bệnh nặng có thể phát triển trong những điều sau đây:
- Bệnh nhân dưới 6 tuổi, người cao tuổi, hoặc suy giảm miễn dịch
- Bệnh nhân có rối loạn tim phổi hoặc thần kinh cơ tiềm ẩn
Bệnh do RSV bùng phát mạnh vào mùa đông xuân và khi thời tiết chuyển từ mùa xuân sang hè. Nguồn ảnh: Vinmec.
🦠Gia tăng trẻ mắc virus hợp bào hô hấp do giao mùa
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca mắc virus hợp bào hô hấp (RSV) đến khám tại bệnh viện đang có xu hướng gia tăng.
Tại Việt Nam, bệnh do RSV bùng phát mạnh vào mùa đông xuân và khi thời tiết chuyển từ mùa xuân sang hè (từ tháng 10 đến tháng 3).
Cũng giống như nhiều virus gây bệnh đường hô hấp khác, RSV có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua
- Nhiễm bẩn bởi các giọt bắn có chứa virus RSV được thải ra từ người bệnh qua ho, hắt hơi lên mắt, mũi, miệng.
- Tiếp xúc gián tiếp với các bề mặt bị nhiễm bẩn có chứa virus hoặc quần áo, vật dụng của người bị bệnh, bàn tay người bệnh sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng.
- Khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người nhiễm RSV thông qua thơm hôn hoặc mớm thức ăn.
Virus RSV xâm nhập vào cơ thể con người qua niêm mạc mũi, gây viêm niêm mạc mũi, tiết dịch mũi đặc dính làm bít tắc đường thở dẫn đến suy hô hấp. Virus đi qua tiểu phế quản và các phế nang làm tổn thương phế nang, ứ khí, thậm chí dẫn đến hoại tử tế bào đường hô hấp.
🦠Phương pháp phòng bệnh
- Hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh đặc hiệu.
- Ở những đối tượng có nguy cơ cao diễn biến bệnh nặng khi nhiễm RSV, có thể tiêm dự phòng kháng thể đơn dòng mỗi tháng một lần vào mùa dịch giúp tăng cường miễn dịch chống lại virus RSV tốt hơn.
- Tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine được khuyến cáo theo độ tuổi đặc biệt với trẻ nhỏ và đảm bảo chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt tốt để cơ thể mạnh khỏe một cách tự nhiên, phòng ngừa bệnh tật.
- Áp dụng nguyên tắc 5K trong phòng lây các căn nguyên lây truyền theo đường hô hấp, trong đó có RSV.
[Triệu chứng+ Chẩn đoán] Bệnh do LEISHMANIA
Nguồn: Báo Nhân dân, MSD Manual, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.