Việc tổ chức khám sức khoẻ để cung cấp minh chứng về việc người lao động hay còn đi học đáp ứng đủ điều kiện về sức khoẻ là một trong những quyền lợi và trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh.

Ảnh: Freepik
Theo Điều 52 Luật Khám bệnh, chữa bệnh, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế được khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe để lao động, học tập, làm việc và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả khám sức khỏe của mình. Như vậy, người có nhu cầu khám sức khoẻ có thể đến các cơ sở y tế đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế để thăm khám và lấy giấy khám sức khoẻ.
Nội dung khám sức khoẻ
Căn cứ vào Điều 6 Thông tư số 14/2013/TT-BYT, quy định về nội dung khám sức khoẻ được trình bày như sau:
1. Đối với KSK cho người từ đủ 18 (mười tám) tuổi trở lên nhưng không thuộc trường hợp KSK định kỳ: khám theo nội dung ghi trong Giấy KSK quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Đối với KSK cho người chưa đủ 18 (mười tám) tuổi nhưng không thuộc trường hợp KSK định kỳ: khám theo nội dung ghi trong Giấy KSK quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Đối với trường hợp KSK định kỳ: khám theo nội dung ghi trong Sổ KSK định kỳ quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Đối với trường hợp KSK theo bộ tiêu chuẩn sức khỏe chuyên ngành: khám theo nội dung ghi trong Giấy KSK quy định tại mẫu giấy KSK của chuyên ngành đó.
5. Đối với những trường hợp khám sức khỏe theo yêu cầu: khám theo nội dung mà đối tượng KSK yêu cầu.
Thủ tục khám sức khỏe
Theo Điều 5 Thông tư này, thủ tục này được quy định như sau:
1. Hồ sơ khám sức khỏe nộp tại cơ sở KSK.
2. Sau khi nhận được hồ sơ KSK, cơ sở KSK thực hiện các công việc:
a) Đối chiếu ảnh trong hồ sơ KSK với người đến KSK;
b) Đóng dấu giáp lai vào ảnh sau khi đã thực hiện việc đối chiếu theo quy định tại Điểm a Khoản này đối với các trường hợp quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 4 Thông tư này;
c) Kiểm tra, đối chiếu giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu đối với người giám hộ của người được KSK đối với trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư này;
d) Hướng dẫn quy trình KSK cho người được KSK, người giám hộ của người được KSK (nếu có);
đ) Cơ sở KSK thực hiện việc KSK theo quy trình.
Phân loại sức khoẻ
Căn cứ theo Điều 7 Thông tư này, việc phân loại sức khoẻ được quy định như sau:
1. Người thực hiện khám lâm sàng, cận lâm sàng cho đối tượng KSK phải ghi rõ kết quả khám, phân loại sức khỏe của chuyên khoa, ký tên và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khám và kết quả khám của mình.
2. Căn cứ vào kết quả khám của từng chuyên khoa, người được cơ sở KSK phân công thực hiện việc kết luận phân loại sức khỏe và ký Giấy KSK, Sổ KSK định kỳ (sau đây gọi tắt là người kết luận) thực hiện việc kết luận phân loại sức khỏe như sau:
a) Phân loại sức khỏe của người được KSK theo quy định tại Quyết định số 1613/BYT-QĐ hoặc phân loại sức khỏe theo quy định của bộ tiêu chuẩn sức khỏe chuyên ngành đối với trường hợp KSK chuyên ngành;
b) Ghi rõ các bệnh, tật của người được KSK (nếu có). Trường hợp người được KSK có bệnh, tật thì người kết luận phải tư vấn phương án điều trị, phục hồi chức năng hoặc giới thiệu khám chuyên khoa để khám bệnh, chữa bệnh.
3. Sau khi phân loại sức khỏe, người kết luận phải ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu của cơ sở KSK vào Giấy KSK hoặc Sổ KSK định kỳ (dấu sử dụng trong giao dịch chính thức của cơ sở KSK theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu). Trường hợp người được KSK có yêu cầu cấp nhiều Giấy KSK thì việc đóng dấu được thực hiện sau khi tiến hành nhân bản Giấy KSK theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.
Cấp Giấy khám sức khỏe
Quy định về việc cấp Giấy khám sức khoẻ được nêu rõ tại Điều 8 Thông tư này như sau:
1. Giấy KSK được cấp 01 (một) bản cho người được KSK. Trường hợp người được KSK có yêu cầu cấp nhiều Giấy KSK thì cơ sở KSK thực hiện như sau:
a) Tiến hành việc nhân bản (photocopy) Giấy KSK đã có chữ ký của người kết luận trước khi đóng dấu. Số lượng Giấy KSK được nhân bản theo yêu cầu của người được KSK;
b) Sau khi tiến hành việc nhân bản, thực hiện việc dán ảnh, đóng dấu giáp lai vào Giấy KSK bản photocopy và đóng dấu theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Thông tư này.
2. Thời hạn trả Giấy KSK, Sổ KSK định kỳ:
a) Đối với trường hợp KSK đơn lẻ: cơ sở KSK trả Giấy KSK, Sổ KSK định kỳ cho người được KSK trong vòng 24 (hai mươi tư) giờ kể từ khi kết thúc việc KSK, trừ những trường hợp phải khám hoặc xét nghiệm bổ sung theo yêu cầu của người thực hiện KSK;
b) Đối với trường hợp KSK tập thể theo hợp đồng: cơ sở KSK trả Giấy KSK, Sổ KSK định kỳ cho người được KSK theo thỏa thuận đã ghi trong hợp đồng.
3. Giá trị sử dụng của Giấy KSK, kết quả KSK định kỳ:
a) Giấy KSK có giá trị trong thời hạn 12 (mười hai) tháng kể từ ngày ký kết luận sức khỏe; Đối với KSK cho người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì giá trị của Giấy KSK theo quy định của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà người lao động Việt Nam đến làm việc;
b) Kết quả KSK định kỳ có giá trị sử dụng theo quy định của pháp luật.
4. Trường hợp người được KSK có xét nghiệm HIV dương tính thì việc thông báo kết quả xét nghiệm này phải theo quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.