Giữa người và người luôn tồn tại những mối liên kết khó lòng phá vỡ. Nhưng có những mối liên kết tạo nên khổ đau nhiều hơn là hạnh phúc. Sự gắn kết đau thương (trauma bonding) là một trong số đó. Vậy nên, cần có những cách để thoát khỏi mối quan hệ không lành mạnh này.
Sự gắn kết đau thương (trauma bonding) là gì?
Mối quan hệ gắn kết đau thương là một loại tình cảm gắn bó mãnh liệt giữa kẻ lạm dụng và nạn nhân. Nó là một mối quan hệ lạm dụng và không lành mạnh. Đây là kết quả của những vòng lặp lạm dụng và được củng cố. Sau mỗi lần lạm dụng, thủ phạm sẽ bày tỏ tình yêu dành cho nạn nhân và cố tạo cho nạn nhân cảm giác an toàn và được cần đến.
Sự gắn kết đau thương này có thể khiến cho nạn nhân cảm thấy bối rối và choáng ngợp khi rời khỏi mối quan hệ. Đặc biệt, họ phải vật lộn với nỗi lo lắng về sự chia ly hoặc có kiểu gắn bó không an toàn (insecure attachment style).
3 điều cần biết để thoát khỏi những mối gắn kết đau thương
Làm quen với các dấu hiệu - bảy giai đoạn gắn kết đau thương
Thông thường, mối gắn kết đau thương có thể mở đầu như một mối quan hệ bình thường. Có bảy cách để nhận biết các dấu hiệu từ sớm.
Đầu tiên là “ném bom tình yêu” hay love bombing. Dấu hiệu của giai đoạn này là sự thể hiện tình cảm một cách đột ngột và áp đảo. Có một cách để nhận biết “love bombing” dễ dàng chính là người kia xác định mối quan hệ quá nhanh chóng. Họ sẽ nói lời yêu với nạn nhân từ rất sớm. Có nghiên cứu cho thấy những người có xu hướng nhân cách ái kỉ (narcissistic personality tendencies) có nhiều khả năng thực hiện “love bombing” để chiếm lòng tin của nạn nhân.
Tiếp theo là giai đoạn giành được lòng tin. Kẻ bạo hành thường cố gắng kiểm tra lòng tin và sự phụ thuộc của nạn nhân bằng cách kiểm tra giới hạn của mối quan hệ. Khi nạn nhân không đáp ứng yêu cầu của kẻ lạm dụng, họ sẽ cảm thấy tội lỗi.
Sau nữa là giai đoạn chỉ trích nạn nhân. Ở giai đoạn này, những lời chỉ trích sẽ nổ ra đột ngột. Đặc biệt trong các cuộc tranh luận, nạn nhân là người bị đổ lỗi. Kết quả là nạn nhân phải xin lỗi, thậm chí đó không phải lỗi của họ.
Kế đến là giai đoạn thao túng. Kẻ lạm dụng sẽ biện hộ cho hành vi của mình bằng cách sử dụng các chiến thuật thao túng. Khi nạn nhân cố chống lại sự áp bức trong mối quan hệ này, kẻ bạo hành thường thao túng tinh thần (gaslighting) nạn nhân, khiến họ đặt câu hỏi về những cảm giác thực tại và nhân dạng của mình, đến mức nạn nhân bị thuyết phục rằng hành vi ngược đãi không có gì sai trái hoặc dùng đến lạm dụng phản ứng (reactive abuse) với thủ phạm.
Giai đoạn tiếp đến là sự cam chịu. Khi đối mặt với sang chấn, nạn nhân thường cố tránh gây thêm xung đột. Điều này còn được gọi là “phản ứng yếu ớt” đối với chấn thương hoặc hành vi “làm hài lòng mọi người”. Nạn nhân thường cam chịu mà tuân theo hành vi lạm dụng với ý nghĩ rằng điều này sẽ giúp khôi phục lại một số ổn định ở vẻ bề ngoài.
Tiếp nữa là cảm giác đánh mất nhân dạng của nạn nhân. Bản chất lạm dụng của mối quan hệ khiến nạn nhân rơi vào trạng thái đau khổ nghiêm trọng về mặt tâm lí. Họ có thể cảm thấy tê liệt cảm xúc, cảm giác như thể họ đã đánh mất con người thật của mình. Họ có thể thu mình với xã hội và thậm chí có ý định tự tử.
Giai đoạn kế tiếp là sự tiếp diễn bắt buộc của chu kì. Bản chất lạm dụng của sự gắn kết đau thương là theo chu kì. Sau một vòng lạm dụng, thủ phạm sẽ trở về giai đoạn đầu, cốt chỉ để làm bắt đầu một chu kì mới. Nạn nhân có thể cố gắng che giấu hành vi của kẻ lạm dụng bằng cách làm ra vẻ như trạng thái bình thường đã trở lại, cho tới khi một vòng lạm dụng khác xảy ra.
Loại gắn kết này có thể tác động sâu sắc đến thế giới quan của nạn nhân. Tuy nhiên, chu kì lạm dụng không phải là chẳng thể phá vỡ. Khi đã xác định được các dấu hiệu của mối gắn kết đau thương này, dưới đây là những điều có thể làm để phá vỡ vòng lặp.
Tập trung vào việc chăm sóc và yêu thương bản thân
Tình trạng lạm dụng có thể hạ thấp lòng tự trọng của nạn nhân. Thay vì cay nghiệt và đổ lỗi cho bản thân, nạn nhân có thể rèn luyện lòng trắc ẩn đối với chính mình.
Một nghiên cứu cho thấy lòng tự trắc ẩn không chỉ mang lại cảm giác tốt đẹp hơn so với việc tự chỉ trích mình, mà còn giúp con người vượt qua những thử thách của cuộc sống. Những người thực hiện nghiên cứu này đã chia lòng tự trắc ẩn thành ba phần.
Điều đầu tiên của lòng tự trách ẩn là việc nhận biết lúc nào chính mình đang đau khổ mà không tách rời hoặc bị cuốn vào cảm xúc của bản thân. Tiếp theo, chúng ta nên nhận ra rằng việc trải qua đau khổ hay phạm sai lầm là một phần của con người, trái ngược hoàn toàn với cảm giác bị cô lập khi bị lạm dụng. Cuối cùng là thể hiện sự tử tế đối với chính mình, không phê phán bản thân quá gay gắt.
Nạn nhân có thể cố gắng thực hiện tối thiểu một số kỹ thuật tự chăm sóc bản thân đã được chứng minh như những điều sau đây.
Kĩ thuật đầu tiên là nói những điều tích cực. Nói những lời khen chân thành bằng nhiều cách. Đồng thời, ta có thể ghi nhớ một bài viết hoặc những lời nói truyền cảm hứng.
Tiếp theo là việc di chuyển một cách năng động. Ta có thể tập thể dục với cường độ vừa phải trong 30 phút, hoặc đi 10.000 bước. Ngoài ra, ta có thể thử một bài tập sức bền có sự hướng dẫn.
Bên cạnh đó, ta có thể đắm chìm trong một môi trường tự nhiên có khả năng nâng cao tinh thần. Thức dậy sớm và ngắm nhìn mặt trời mọc là một ý kiến hay.
Mặt khác, ta phải ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Hãy ăn tám phần thức ăn có nguồn gốc từ thực vật hoặc chuẩn bị một bữa ăn có nhiều chất xơ, có nguồn gốc từ thực vật với những người bạn của mình.
Thực hiện những hoạt động khiến ta cảm thấy thoải mái có thể tăng cường ý tưởng về việc ta không cần phụ thuộc vào người khác để cảm thấy hạnh phúc hoặc hài lòng về bản thân. Khi ta càng nhắc nhở về năng lực của bản thân, thì ta càng dễ dàng tránh xa những mối quan hệ không lành mạnh một cách tốt đẹp.
Dựa vào sự hỗ trợ của chính chúng ta và các nhóm đồng đẳng (peer groups)
Trị liệu là một công cụ giúp đỡ đáng ngạc nhiên để con người vượt qua những tổn thương. Nó không chỉ có thể giúp ta thoát khỏi tình huống nguy hiểm mà còn trang bị cho ta những công cụ hữu ích khi đưa ra những lựa chọn quan trọng cho cuộc sống tương lai.
Hơn nữa, trò chuyện với những người đã trải qua những điều tương tự có thể rất hữu ích. Việc chia sẻ kinh nghiệm về tổn thương có thể dẫn đến tăng trưởng sau chấn thương (posttraumatic growth). Nếu nạn nhân cảm thấy chưa sẵn sàng tham gia một nhóm hỗ trợ, hãy dựa vào những người mà nạn nhân cảm thấy gần gũi và tin tưởng sâu sắc trong cuộc sống.
Sự gắn kết đau thương là một mối quan hệ năng động, không phải là một khuyết điểm về tính cách. Nó có thể xảy ra với bất kỳ ai. Nhận biết sớm các dấu hiệu và thực hiện các bước khắc phục có thể giúp ngăn những hậu quả đáng tiếc. Hãy nhớ rằng luôn có thể chấm dứt chu kỳ lạm dụng và tìm thấy sự an toàn trong các mối quan hệ lành mạnh.
Nguồn: dịch từ bài viết trên Psychology today.
