Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa tiết lộ nghề nghiệp hiện tại từng là ước mơ của mẹ nhưng lại không hoàn toàn giống ước mơ của mẹ.
Những người làm việc trong ngành y tế luôn được người ngoài trân trọng, được gọi với danh xưng “thầy thuốc”. Nhưng bên trong của họ còn nhiều câu chuyện chất chứa. Chuỗi bài viết Chân dung y nhân là những cuộc trò chuyện sâu với những con người cống hiến hết mình cho sức khỏe của nhân dân.
Hôm nay, ngày Thầy thuốc Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu bài viết đầu tiên trong chuỗi này với nhân vật là Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, hiện công tác tại một bệnh viện tư nhân ở TP HCM. Bác sĩ Nghĩa là gương mặt nổi bật trong các thế hệ sinh viên trường Đại học Y Dược TP HCM.
Dy Khoa: Đâu là dấu mốc để Bác sĩ Trung Nghĩa quyết định theo con đường tâm lý - tâm thần?
BS Trung Nghĩa: Câu hỏi này tôi gặp nhiều lắm, ai gặp đều hỏi. Điều đầu tiên, khi nhỏ, tôi rất đa cảm, dễ buồn, dễ vui, dễ hạnh phúc nhưng cũng dễ tủi thân, đau khổ. Đau khổ đầu tiên lúc tuổi mới lớn là trải qua mối tình đầu. Khi đó, trong bản thân tôi thắc mắc não con người có gì mà làm người ta đau khổ như vậy.
Tới lúc vào trường y, tôi muốn trở thành một bác sĩ ngoại thần kinh để mổ não ra xem trong đó có gì. Đến khi đi thực hành năm thứ 5, tôi được học về tâm thần thì biết đây là con đường nên chọn.
Dy Khoa: Quay trở lại tuổi thơ, Bác sĩ Nghĩa sinh ra trong gia đình như thế nào?
BS Trung Nghĩa: Gia đình tôi có thể gọi là gia đình hạt nhân, cũng khó khăn về kinh tế. Bố là lao động phổ thông, là thợ cơ khí. Mẹ, trước đây, thu mua ve chai rồi sau đó nghỉ để chăm các con, làm nội trợ. Ba mẹ của tôi không có nhiều cơ hội để học vì hồi đó ông bà nội ngoại có nhiều con cái. Ba mẹ đều là anh chị lớn trong nhà, phải nghỉ học sớm nên thành ra tôi cảm nhận được khát khao lớn nhất của ba mẹ là các con phải học hành đàng hoàng. Đó là động lực, là mặc định từ nhỏ là tôi thích học, rất là muốn học.
Dy Khoa: Bác sĩ Nghĩa cảm nhận được mẹ muốn học giỏi?
BS Trung Nghĩa: Tôi nghe được mẹ luôn kỳ vọng tôi học giỏi. Có lẽ không phải chỉ mẹ của tôi mà nhiều người mẹ khác cũng mong con mình học tốt. Những câu nói quen thuộc với rất nhiều đứa trẻ là: Tháng này sao không hạng nhất? Bạn kia tập trung học hơn con! Ráng lên viết chữ đẹp thì thi mới có giải!
Dy Khoa: Đó có gọi là áp lực?
BS Trung Nghĩa: Tôi ở thời điểm đó chưa đủ hiểu biết để gọi đó là áp lực. Nhưng điều này hình thành nên một nét tính cách là luôn phải so sánh chính mình với những người bạn, luôn cạnh tranh và chính cái điều đó đã trở thành trở ngại cho sau này. Chính sự so sánh đó gây áp lực dẫn đến sự tự ti. Cũng vì cạnh tranh dẫn đến mình càng khó kết nối và làm việc với những người giỏi.
Dy Khoa: Nên luôn nghĩ mình là nhất?
BS Trung Nghĩa: Tôi luôn muốn mình là nhất nhưng thực tế thì không phải lúc nào cũng nhất.
Dy Khoa: Vậy ngày xưa bác sĩ thua bao nhiêu bạn trong lớp để bị mẹ nói câu đó?
BS Trung Nghĩa: Thường đa phần các tháng, tôi đều đạt hạng nhất hết. Tuy nhiên cũng có những lúc thua kém vì những môn không phải thế mạnh như Thể dục, Giáo dục công dân… Nếu trường hợp tôi không đạt được thứ hạng thì ba mẹ cũng không quá khắt khe. Tôi lại không nghĩ ở khía cạnh hình phạt mà nằm ở phần thưởng. Thứ làm cho tôi thúc đẩy bản thân chính là cảm giác được tự hào, được khen ngợi khi đạt được điểm cao.
Hồi đó, mẹ đánh thì tôi có khóc nhưng mẹ chỉ đánh hồi bé thôi. Tôi vẫn nhớ hoài khi đó có trò chơi điện tử mới, mê chơi nên học chểnh mảng, dẫn tới điểm kém. Mẹ cầm kết quả nhà trường báo, khóc và nói: “Trời ơi, nó học kết quả ra vậy!” Lúc đó mẹ không đánh. Nhưng tôi lại khóc. Lúc đó, tôi hiểu mình học vì mình nên phải tự cố gắng chứ không phải mẹ đi sau và thúc nữa.
Dy Khoa: Còn ba của Bác sĩ Nghĩa thì sao?
BS Trung Nghĩa: Ba là người khá là hiền, ít nói, luôn chăm lo cho gia đình. Tôi và ba ít khi nói chuyện. Từ nhỏ tôi gần gũi với mẹ hơn. Mãi sau này, khi ba nghỉ hưu thì thay đổi tính tình, dễ thương hơn. Từ đó, tôi gần gũi và nói chuyện với ba nhiều hơn.
Dy Khoa: Khi học mẫu giáo, ba của tôi từng đánh vì mua thiếu quà vặt trước cổng trường nhưng không nói lý do. Bác sĩ Nghĩa có từng rơi vào tình huống như vậy?
BS Trung Nghĩa: Ba của tôi thì không đánh, thậm chí mẹ đánh thì ba can rồi mẹ đánh ba (cười). Ba chịu những cái roi của tôi. Nhưng mỗi khi mẹ đánh thì mẹ đều có hẹn giờ trước. Trước khi đánh 1 roi nào đều giải thích lý do xong rồi bắt xin lỗi cái lỗi đó rồi đánh cây khác.
Dy Khoa: Vậy Bác sĩ Nghĩa có phải là đứa trẻ ngoan theo định nghĩa của mẹ?
BS Trung Nghĩa: Tôi thấy mình khá là ngoan và không dám quậy phá, học sinh gương mẫu trong lớp lúc nào thầy cô cũng cưng, không bao giờ đánh nhau chỉ có can người ta thôi. Dĩ nhiên, chắc chắn không chỉ có học. Tôi vẫn vui chơi với bạn bè.
Dy Khoa: Và người yêu đầu tiên của Bác sĩ Nghĩa là ở tuổi học trò?
BS Trung Nghĩa: Đúng rồi, lớp 5. Mối tình đầu là vào hồi lớp 8-9. Thú thật, tôi chẳng biết yêu lúc nào là sớm vì tình cảm rất tự nhiên. Tôi nghĩ rằng thay vì xác định con mình có yêu sớm hay không thì mình dạy nó nhận biết và gọi tên cảm xúc. Có thể là con thích bạn đó. Chuyện đó khác rất nhiều với việc con yêu, si mê một người rồi lớn lên con có những cảm xúc về mặt hình thể hoặc là con muốn gắn bó với họ.
Còn ngày nhỏ của tôi, bố mẹ thế hệ trước tin rằng tập trung học vì yêu sớm sẽ có bầu rồi vướng bận hoặc không tập trung việc học. Thật ra, tôi thấy vậy cũng đúng vì một số em không được dạy cho việc quan sát và điều phối cảm xúc của mình nên một khi đã thích thì sẽ lao vô, đầu tư mối quan hệ, bỏ hết mọi thứ xung quanh.
Còn đối với trải nghiệm của tôi thì tôi lại có động lực để học giỏi hơn trong mắt người ta, để được khen.
Dy Khoa: Bác sĩ có nghĩ việc mẹ thúc học cũng là một động lực chứ không trong lòng mình cũng sẽ buông xuôi?
Bác sĩ Trung Nghĩa: Chính xác. Ba mẹ đầu tư tất cả mọi thứ họ kiếm được cho ba anh em tôi. Họ không có một sự tích luỹ nào cho bản thân. Trong khi đó, có người làm lụng mua được 2-3 căn nhà, có khoản tiền tiết kiệm hoặc có lương hưu. Tài sản lớn nhất của bố mẹ là dồn hết cho ba anh em.
Dy Khoa: Ở góc nhìn này, mở rộng vấn đề ra, phụ nữ của gia đình Việt Nam dành hết tâm huyết cho con. Bác sĩ Nghĩa nghĩ sao về quan điểm này?
Bác sĩ Trung Nghĩa: Có khác nhau giữa quan điểm Á Đông và phương Tây nhưng tôi muốn kết hợp cả hai. Mình không thể nào bỏ con mình vì rõ ràng đứa trẻ phát triển có định hướng sẽ tốt hơn. Ví dụ như Mbappe của đội tuyển Pháp. Gia đình đã định hướng và cho anh luyện tập trong môi trường chuyên nghiệp. Nếu không có luyện tập từ nhỏ thì không thể nào đạt được cái mức độ thể chất như vậy. Và giờ anh ấy hạnh phúc ở vị trí đỉnh cao khi mới 18-19.
Vậy nên không thể nói thả lỏng con nhỏ không có định hướng là tốt nhưng quá ép vào giấc mơ của cha mẹ, dồn hết mọi đầu tư cho con và không giữ một khoản cho mình thì đó lại là không tốt vì tạo ra sự ràng buộc cho đứa nhỏ về sau.
Nếu định hướng của bố mẹ không phải cái nó muốn thì bản thân nó cũng sẽ mắc vào cái rắc rối hiện sinh của nó. Nó cũng có thể dằn vặt cả đời vì cái định hướng cuộc đời đó. Nếu mình không dành một khoản cho mình thì sau này con mình cũng sẽ tới cái thời điểm nó sẽ là người gánh cái áp lực nuôi gia đình.
Dy Khoa: Công việc hiện tại có phải ước mơ hay là công việc của gia đình bác sĩ muốn?
Bác sĩ Trung Nghĩa: Đó là công việc tôi muốn. Ở thời gian đầu, nghề bác sĩ là mẹ thích. Tôi nhớ mẹ từng ước các con của mẹ có đứa làm bác sĩ vì nhà chưa ai làm bác sĩ nhưng không phải bắt buộc. Bản thân tôi cũng muốn, tôi cảm thấy thích cái cảm giác mặc áo trắng, chữa bệnh rồi được mọi người tôn trọng. Đến khi vào trường y thì tôi vẫn thích công việc này. Có một trở ngại duy nhất là khi quyết định theo học tâm thần, mọi người chưa hiểu tâm thần là làm gì. Cả nhà quan điểm học y để về giúp gia đình.
Mẹ từng hỏi: “Con làm cái này rồi kiếm được bao nhiêu tiền?” Tôi nói về khoản thù lao tư vấn trong 45 phút của một người thầy cho mẹ nghe thì bà bảo: “Con nhìn đi cái bảng đó, bác sĩ nhi, ông bác sĩ đó khám một ca 300 nghìn đồng mà một ca ổng khám có hai phút, mày bớt ngu giùm”. Nhưng tôi vẫn chọn vì có hai lý do. Thứ nhất là tôi biết ngành này có thể trả lời câu hỏi của mình, thứ hai là tôi thích đi con đường mà ít người đi - cái tính tôi trước giờ vậy.
Dy Khoa: Vậy đó là lần đầu tiên bác sĩ không làm theo ước mong của mẹ?
Bác sĩ Trung Nghĩa: Câu hỏi hay (cười). Đó là lần thứ hai. Khi mà mẹ không cho yêu. Từ nhỏ khi phát hiện bất cứ thứ gì là sẽ làm dữ lên, mắng chửi, cấm đoán nhưng vẫn lì. Thời điểm theo công việc tâm thần, may mắn là tôi cũng có đủ nền tảng tư duy để biết cái nào phù hợp với mình, nhìn vào bên trong cũng nhiều.
Dy Khoa: Tôi cảm nhận bác sĩ khá tình cảm với gia đình. Nếu bây giờ được chọn lại thì có làm mẹ vui lòng trong hai lần đó không?
Bác sĩ Trung Nghĩa: Tôi vẫn lựa chọn như trước. Tại vì đi theo tiếng gọi con tim mà cuối cùng nó làm tôi tốt hơn, giỏi hơn.
Dy Khoa: Khi Bác sĩ Nghĩa chọn trường y thì chắc gia đình vui lắm?
Bác sĩ Trung Nghĩa: Vui chứ. Trước có anh hai học trường y nhưng vào dược. Thời điểm đó, ba mẹ trả học phí của học kì 1 năm 1, sau đó tôi tự trang trải bằng nhiều công việc làm thêm cũng như học bổng. Ngay lúc thi đại học vừa xong, tôi đã đi làm thêm. Đầu tiên là làm phụ bếp, phục vụ rồi đi dạy thêm. Vào đại học thì tham gia hội sinh viên, nhờ vậy cũng tích lũy kỹ năng rồi chạy event với các anh chị.
Hồi đó, tôi xài ít lắm, cỡ 300 ngàn một tuần. Ăn cơm thì gia đình, chỉ cần tiền xăng và đi chơi với người yêu. Tới khi mình vào bác sĩ nội trú thì hàng ngàn cơ hội khác mở ra. Thời điểm đó có một áp lực nữa là kiếm tiền cưới vợ vì đã quen nhau được 7-8 năm.
Dy Khoa: Và đậu nội trú là một ước mơ?
Bác sĩ Trung Nghĩa: Đó không hẳn là ước mơ. Hồi năm 5, tôi biết con đường tốt nhất ngắn nhất để trở thành bác sĩ tâm thần là bác sĩ nội trú. Tôi thi nội trú chỉ vì mình muốn trở thành bác sĩ tâm thần. Nếu không có nội trú tâm thần thì tôi sẽ không theo nội trú. Với các bạn cùng năm thì nội trú là vinh quang cuộc đời, cao giá nhất, chỉ được thi một lần trong đời, các bạn cố thi càng cao càng tốt để chọn được một vị trí tốt mà chưa biết đó là vị trí nào.
Dy Khoa: Cống hiến của Bác sĩ Nghĩa có đi đôi với tiền?
Bác sĩ Trung Nghĩa: Câu chuyện với tiền rất thú vị. Quay lại lúc mẹ tôi xách lỗ tai ra đầu hẻm để xem phòng khám Nhi của vị bác sĩ kia, khi đó tôi đã nói với mẹ là “Con không muốn kiếm tiền bằng nghề”. Lúc đó tôi đã có suy nghĩ khá là chín chắn vì từ nhỏ gia đình đã chật vật trong những quyết định về tài chính. Chẳng hạn, việc lắp Internet 1 triệu, mỗi tháng tốn 200 ngàn mà gia đình phải suy nghĩ 2, 3 tháng. Hoặc có những chuyến đi chơi với bạn bè mà mình không được đi.
Thấy được cái khó khăn của gia đình từ nhỏ nên tôi khát khao mình giàu hơn, có nhiều tiền hơn để không phải trăn trở trong lựa chọn. Tôi vẫn thích tiền, vẫn muốn kiếm tiền. Do vậy, tôi luôn có suy nghĩ là khi cơ hội kiếm tiền tới mà mình bỏ lỡ là có lỗi với bản thân.
Dy Khoa: Có tiền nhưng mục tiêu của bác sĩ không phải là muốn giàu?
Bác sĩ Trung Nghĩa: Hồi đó là muốn giàu. Bạn mình có điều kiện được học này học kia, ăn này ăn kia, chơi này chơi kia, đi du lịch. Lúc đó mình hiểu để có được cái đó là phải giàu. Còn bây giờ, với tôi, cái giàu nghiêng về giá trị tinh thần nhiều hơn. Tiền thì tích lũy đủ để đạt được sự an toàn về tài chính thôi. Tôi không muốn kiếm tiền từ nghề vì như vậy phải so sánh giữa một bệnh nhân trả 50 ngàn và một bệnh nhân trả 500 ngàn.
Tôi cũng có tư duy về đầu tư, hiểu về tài chính. Đến bây giờ, sự an toàn về tài chính xuất phát từ đầu tư chứ không phải việc kiếm tiền từ nghề. Nếu hỏi cống hiến là vì tiền hay không thì câu trả lời là không. Tôi vẫn khám cho các em sinh viên với giá 50-100 ngàn. Có một điều mà tôi nhận ra là càng không để ý về tiền thì tiền lại càng đến với mình. Và có những cơ hội tới mà mình không hề nghĩ mình làm được như vậy.
Dy Khoa: Lúc nãy, bác sĩ có nói về vợ.
Bác sĩ Trung Nghĩa: Vợ của tôi làm nhân sự ở một công ty kiểm toán, cùng làm về con người nên hai đứa hỗ trợ cho nhau. Cô ấy là một người không quan tâm tới tiền, tôi thì lại rất quan tâm tới tiền. Hai chúng tôi vẫn muốn mỗi buổi chiều đi làm về có người đón ở nhà. Buổi tối nằm ôm nhau rất lâu đến cả nửa tiếng, một tiếng rồi mới ngủ. Tôi nói về những câu chuyện trong ngành hoặc nói nhảm thôi cũng được xong rồi ôm bụng cười (cười).
Dy Khoa: Đó có phải là điểm dựa tinh thần của bác sĩ không?
Bác sĩ Trung Nghĩa: Có. Đó là chỗ để tôi hồi phục năng lượng. Hai chúng tôi cũng có xích mích nhưng phải không phải dạng mâu thuẫn rồi cãi lộn. Sự khác biệt khi còn nhỏ được phát hiện ra và nói chuyện với nhau. Cũng có lúc sự khác biệt dẫn tới sự buồn lòng của người này với người kia và im lặng. Sau đó người còn lại sẽ quan tâm. Tôi là người đưa ra nguyên tắc “4 nói” là: Nói ngay, nói thẳng, nói thật và nói hết cho cả hai.
Dy Khoa: Bác sĩ Nghĩa nghĩ sao về những khoảng lặng khi nhân viên y tế bị bệnh nhân nói điều không hay?
Bác sĩ Trung Nghĩa: Đây là điều khó khăn khi làm nghề y. Khi mình ở vị thế chỉ đạo người ta làm theo ý mình thì sẽ dễ khiến bộc lộ cái tôi ra một cách không kiểm soát, nóng giận, quát nạt. Bác sĩ cũng vậy khi mà họ có quá nhiều quyền lực trong tay thì bản thân họ cảm thấy họ thích làm gì thì làm. Hiện có nhiều thay đổi, bắt đầu xác lập vị trí cân bằng hơn thì cũng điều chỉnh hành động cân bằng. Tôi cho đây là điều tốt.
Thậm chí, bản thân tôi cũng cảm thấy bị xúc phạm vài lần. Bác sĩ có những quyết định về chuyên môn và bệnh nhân đi khám ở một bác sĩ khác sau khi khám ở chỗ tôi. Thời điểm trước thì tôi cảm thấy rất khó chịu vì người ta không tin tưởng vào năng lực chuyên môn. Tuy nhiên, môi trường y tế tư nhân dạy cho tôi rất nhiều thứ về mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân. Đây là mối quan hệ công bằng và bệnh nhân có quyền có lựa chọn thứ hai.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì tôi sẽ giữ thái độ cứng chắc để tuân thủ khung điều trị.
Dy Khoa: Bác sĩ Nghĩa có xem bệnh nhân là khách hàng?
Bác sĩ Trung Nghĩa: Tôi vẫn thích nghĩ mình là người cung ứng dịch vụ hơn. Họ có nhu cầu và mình giải quyết nhu cầu đó. Nhờ lắng nghe, câu chuyện đó có thể làm giàu vốn sống, phát triển chuyên môn của mình. Trong một mối quan hệ như vậy mình nhận được nhiều hơn.
Dy Khoa: Hiện tại, ở Việt Nam, nhiều người than về vấn đề tâm lý. Có phải bây giờ mới có không hay là xu hướng họ nhận ra?
BS Trung Nghĩa: Đúng là xu hướng nhận ra nhiều hơn vì giống như bệnh lý mãn tính trước giờ. Khi phát triển được công cụ nào đó phát hiện dễ hơn thì tỷ lệ bệnh trong dân số sẽ tăng lên. Có thể bạn gặp đang khó khăn trong công việc và không đủ kỹ năng để giải quyết nên stress, các bạn lại nghĩ tình trạng đó là trầm cảm. Nhưng thực tế không phải vậy. Nhiều người biết về tình trạng sức khỏe tinh thần cũng tốt nhưng hiểu không tới thì sẽ là sự lạm dụng khái niệm. Và sẽ định hướng điều trị sai chẳng hạn.
Dy Khoa: Còn bản thân bác sĩ có bao giờ stress không?
Bác sĩ Trung Nghĩa: Nhiều chứ, tại tôi thường là người đón nhận những câu chuyện từ mọi người và nếu câu chuyện vui vẻ thì đâu ai đi khám tâm thần - tâm lý. Có những câu chuyện mang sức nặng nếu không cẩn trọng có thể làm mình nặng nề ảnh hưởng tới ca sau.
Dy Khoa: Vậy làm sao để một bác sĩ tâm thần giảm stress?
Bác sĩ Trung Nghĩa: Tôi hay nói đùa với các đồng nghiệp là “Không thiền thì sống không nổi”. Tôi giữ sức khỏe tinh thần cho mình bằng thiền và luyện tập chánh niệm (mindfulness). Ngay khi nhận ra có những cảm xúc nặng nề truyền từ bệnh nhân thì tôi đã bắt đầu chuyển hoá ở bên trong và cho nó khép lại với ca đó và không để nó ảnh hưởng đến ca tiếp theo.
Khoảng thời gian giữa hai ca, tôi di chuyển từ phòng bệnh này đến phòng bệnh kia thì từng bước đi là từng bước đi chánh niệm, gọi là thiền hành. Đây cũng là cách nuôi dưỡng, tái tạo năng lượng tác dụng chuyển hoá bớt các cảm xúc nặng nề.
Dy Khoa: Bác sĩ Trung Nghĩa nhớ về ca điều trị nào nhất?
Bác sĩ Trung Nghĩa: Có một ca làm tôi nhớ hoài và là động lực để theo đuổi giấc mơ. Bạn nữ đó khá trẻ 20 tuổi, học ở Học viện Hàng không vấn đề, bị trầm cảm cũng vài năm. Thời điểm đó bệnh rất nặng, có suy nghĩ tự sát đến liên tục. Đối với cái tình trạng thì tôi có chỉ định bắt buộc nhập viện nhưng tại thời điểm đó không có một bệnh viện nào ở TP HCM tiếp nhận vì cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Vì lý do này đã hun đúc tôi phải tạo ra được một môi trường đủ an toàn và đủ đàng hoàng để bệnh nhân có thể nhập viện, trong đó họ được đối xử như một con người.
Dy Khoa: Hiện nhân viên y tế đang rất áp lực vì nhiều lý do. Bác sĩ thấy sao?
Bác sĩ Trung Nghĩa: Theo tôi, mỗi người cần xác định cái mình muốn là gì, sứ mệnh của mình là gì và nếu điều mình đang làm có cung cấp đủ ý nghĩa cho điều mình nghĩ chưa. Nếu ổn thì đã an ủi phần nào cho sức khỏe tinh thần. Chẳng hạn, tôi làm được điều này tôi thấy hạnh phúc hay tôi cung cấp được dịch vụ này tôi thấy hạnh phúc hoặc hạnh phúc khi thấy bệnh nhân của tôi khỏe mạnh hơn.
Thứ 2 là những vấn đề trong đời sống hàng ngày thì tôi thiền (meditation) và tập thể dục để cân bằng, cải thiện sức khỏe thể chất. Chánh niệm thì mình có thể nghỉ ngơi bất cứ lúc nào, không nhất thiết phải đợt tới hết giờ làm việc. Khi thăm khám, nếu biết bản thân đang stress thì dừng lại 1-2 phút hít thở, hơi thở đó cũng mang khả năng hồi phục.
Chúng ta ai cũng có những câu chuyện đằng sau cần được hiểu khi mà hiểu rồi thì mình phát hiện được cái vướng mắc về mặt tâm lý, gỡ các vướng mắc đó ra thì người ta mới có thể quay trở lại với cuộc sống bình thường và có được cảm giác hạnh phúc.
Bài viết: Dy Khoa. Ảnh: Thành Luân. Thiết kế: Huy Hoàng.
Trân trọng cảm ơn sự đồng hành của Thời trang y tế THE KIM - 182 Lê Lai, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.