Nấm da là một bệnh rất phổ biến, chiếm khoảng 20-25% dân số thế giới. Ở Việt Nam tỉ lệ này cao hơn, khoảng 35-45%.
Nấm da là một trong những thể nhiễm nấm tại lớp thượng bì da. Bệnh thường gặp ở những người có nhiều mồ hôi, vệ sinh thân thể không đúng cách, mặc chung quần áo của nhau. Nấm da thường gặp ở người trẻ tuổi, hoạt động nhiều.

Hình ảnh. Nấm da
Nấm da có rất nhiều loại, bao gồm:
Hắc lào hay còn gọi là lác đồng tiền: Đây là một trong những dạng nấm da phổ biến nhất, có thể gặp bất cứ vị trí nào trên người. Triệu chứng chính của bệnh hắc lào là phát ban hình vòng tròn với các cạnh hơi gồ lên. Bên trong những nốt ban tròn này thường có vùng da khỏe mạnh xen kẽ tróc vảy, mụn nước. Phát ban có thể lan rộng và thường gây ngứa.

Hình ảnh. Bệnh hắc lào
Các triệu chứng điển hình của nấm da chân bao gồm ngứa, có cảm giác nóng, châm chích giữa các ngón chân hoặc lòng bàn chân, da có màu đỏ, có vảy khô hoặc bong tróc, da nứt nẻ hoặc phồng rộp. Sau đó vùng da nhiễm có thể lan rộng ra lòng bàn chân, hai bên bàn chân.
Nấm bẹn: Nấm bẹn là một bệnh nhiễm trùng da do nấm ở vùng bẹn và đùi. Triệu chứng chính là phát ban đỏ, ngứa thường bắt đầu ở vùng bẹn hoặc xung quanh đùi bên trong.
Nấm da đầu: Nhiễm nấm này ảnh hưởng đến da đầu và các sợi tóc. Bệnh phổ biến nhất ở trẻ nhỏ. Các triệu chứng có thể bao gồm rụng tóc đến xuất hiện các mảng hói cục bộ, da đầu có thể có vảy hoặc sẩn hồng ban, có thể kèm cảm giác đau, ngứa trong các mảng da bị nấm
Lang ben: Là một bệnh nhiễm trùng da do nấm Malassezia gây ra các mảng da giảm sắc tố hình bầu dục nhỏ phát triển trên da. Các mảng da lang ben trông sáng hơn vùng da còn lại, đôi khi có thể có màu đỏ, hồng, rám nắng hoặc nâu. Các mảng này thường ngứa, bong tróc hoặc có vảy. Lang ben có thể tái trở lại sau khi điều trị.

Hình ảnh. Lang ben
Nấm cadida: Loại nấm này tồn tại tự nhiên trên da và bên trong cơ thể chúng ta. Do đó bệnh thường xảy ra trên các cơ địa đặc biệt suy giảm miễn dịch như người có bệnh tiểu đường, HIV... Nhiễm trùng da do nấm Candida xảy ra ở những nơi ấm, ẩm và kém thông thoáng như vùng da dưới vú và các nếp gấp của mông.
Điều trị nấm da phụ thuộc vào bệnh, loại nấm và vùng nhiễm nấm mà có thể có những cách điều trị, kê các thuốc khác nhau. Người bệnh không nên tự dùng thuốc để điều trị.
Điều trị không dùng thuốc
Chủ yếu là thay đổi lối sống:
- Giặt bộ trải giường và quần áo hàng ngày trong thời gian bị nhiễm nấm để giúp khử trùng môi trường xung quanh
- Giữ khô vùng bệnh sau khi tắm;
- Mặc quần áo rộng rãi;
- Điều trị tất cả các khu vực bị nhiễm bệnh (không điều trị nấm da chân có thể dẫn đến tái phát nấm bẹn).
- Áp dụng các biện pháp khử mầm bệnh trong áo quần và đồ dùng cá nhân (áo quần, giày vớ, khăn lau mặt và khăn tắm, chậu giặt…) bằng biện pháp nhiệt (là, sấy), bằng bột giặt hay dung dịch kháng nấm.
- Không dùng chung chậu giặt, áo quần, khăn lau…
- Điều trị nguồn lây từ người bệnh và cả súc vật (thỏ, mèo…)
- Chống ẩm ướt, mặc đồ thoáng, không mang giày bít kín, giữ khô da các vùng nếp kẽ.
Phác đồ điều trị nấm da mà bác sĩ thường được sử dụng:
- Đầu tiên là các loại thuốc kháng nấm dạng dùng ngoài da điều trị tại chỗ như nhóm azole (ketoconazole, clotrimazole, miconazole...) và terbinafine. Đối với nấm da đầu sẽ có các loại dầu gội đặc chế. Chú ý, bôi lớp mỏng thuốc, đúng số lần trong ngày và đủ thời gian bác sĩ chỉ định vì điều trị nấm cần thời gian dài, khoảng vài tuần đến nhiều tháng.
- Nếu việc điều trị tại chỗ không thành công, nấm lan rộng (nhất là đối với các đối tượng có hệ miễn dịch suy yếu), bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc kháng nấm toàn thân dùng đường uống tùy vào loại nấm bị nhiễm sau khi đã xét nghiệm như fluconazole, itraconazole, ketoconazole, griseofulvin, terbinafine… Các thuốc kháng nấm đều có độc tính cao trên gan thận (đặc biệt với bệnh nhân suy gan, thận) và có tương tác với nhiều loại thuốc khác, vì vậy tuyệt đối không tự ý sử dụng.
Ngoài các thuốc kháng nấm, bệnh nhân còn có thể được chỉ định sử dụng các thuốc kháng histamin kèm theo để giảm ngứa.

Việc dùng thuốc tại chỗ trị nấm da cần tuân thủ chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.
Lưu ý khi dùng thuốc
- Không dùng các dạng kem bôi có thành phần phối hợp kháng nấm/corticosteroid do tác dụng trị liệu rất kém và gây biến chứng teo da.
- Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.
- Không được tự ý tăng, giảm hoặc ngừng dùng thuốc mà chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Khi có dấu hiệu cảnh báo cần đi khám tại các cơ sở y tế, chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị cụ thể từ bác sĩ.
Do nấm thích môi trường ẩm ướt, nhiều mồ hôi và rất dễ tái phát, nên có thể có những biện pháp giúp ngăn ngừa nhiễm trùng da do nấm.
Các biện pháp ngăn ngừa nhiễm nấm da:
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân tốt.
- Sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như quần áo, khăn tắm.
- Mặc quần áo sạch mỗi ngày, đặc biệt là tất và quần áo lót.
- Chọn quần áo và giày dép thoáng khí. Tránh mặc quần áo hoặc giày quá chật.
- Đảm bảo lau khô cơ thể đúng cách bằng khăn sạch, khăn khô sau khi tắm hoặc bơi.
- Mang dép hoặc dép xỏ ngón trong phòng thay đồ thay vì đi bằng chân trần.
- Lau sạch các bề mặt dùng chung như thiết bị tập thể dục hoặc thảm.
- Tránh xa những động vật có dấu hiệu nhiễm nấm...
Nguồn: Báo sức khoẻ và đời sống