
I. ĐỊNH NGHĨA
Cường giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức dẫn đến sản xuất hormon giáp nhiều hơn bình thường. Hậu quả là gia tăng nồng độ hormon giáp trong máu gây ra những tổn hại về mô và chuyển hoá cơ thể. Danh từ “nhiễm độc giáp” để chỉ tất cả những tổn hại này.
Nguồn: Nguyễn Quang Bảy( 2012). Bệnh cường giáp, Bệnh học nội khoa tập 2- Đại học Y Hà Nội( trang 302- 314). Việt Nam: Nhà xuất bản Y học Hà Nội.
II. DỊCH TỄ
-
Basedow là dạng cường giáp phổ biến nhất . Ở lứa tuổi < 50, Basedow chiếm tới 90% các nguyên nhân gây cường giáp. Ở nữ giới dễ gặp hơn ở nam giới.
-
Bệnh Basedow có tính chất gia đình, với khoảng 15% các bệnh nhân có họ hàng cùng bị bệnh và 50% họ hàng bệnh nhân có kháng thể kháng giáp.
-
Một số yếu tố có thể khởi động đáp ứng miễn dịch của bệnh Basedow :
-
Sau đẻ: thai kỳ là thời điểm ức chế miễn dịch nên bệnh có xu hướng giảm. Sau đẻ, ức chế miễn dịch không còn nên bệnh có thể xuất hiện.
-
Stress: các bệnh nhân Basedow thường có tiền sử bị stress tâm lý hoặc ốm đau trước khi xuất hiện cường giáp. Nhìn chung các stress thường dẫn đến ức chế miễn dịch, có thể được điều biến bởi tác dụng của cortisol lên tế bào miễn dịch, tiếp theo là phản ứng miễn dịch quá mẫn. Đáp ứng kiểu này có thể khởi phát bệnh tuyến giáp tự miễn ở những người có gen nhạy cảm.
-
Steroid sinh dục: nữ dễ bị Basedow hơn nam, có thể do chịu ảnh hưởng của nhiều estrogen hơn và ít testosterone hơn.Tuy nhiên dường như nhiễm sắc thể X là nguồn gốc làm tăng tính nhạy cảm hơn là hormon sinh dục vì tính nhạy cảm này vẫn còn sau khi mãn kinh.
-
Chế độ ăn nhiều iod, uống các thuốc nhiều iod như amiodarone có thể thúc đẩy bệnh Basedow, hoặc tái phát Basedow ở những người nhạy cảm.
-
Một số yếu tố khác như điều trị lithium, nhiễm vi khuẩn hoặc virus, ngừng điều trị corticoid…
Nguồn: Nguyễn Quang Bảy( 2012). Bệnh cường giáp, Bệnh học nội khoa tập 2- Đại học Y Hà Nội( trang 302- 314). Việt Nam: Nhà xuất bản Y học Hà Nội.
III. CƠ CHẾ BỆNH SINH
Basedow là bệnh tự miễn, với đặc điểm là có nhiều kháng thể lưu hành, bao gồm các kháng thể gây các bệnh tự miễn ( nhược cơ, suy thượng thận, đái tháo đường typ 1…) cũng như kháng thể gây bệnh tuyến giáp như kháng thể kháng peroxidase ( anti TPO) và kháng thể kháng thyroglobulin ( anti TG) của tuyến giáp. Tự kháng thể quan trọng nhất là globulin miễn dịch kích thích tuyến giáp ( thyroid stimulating immunoglobulin -TSI). TSI tác động trực tiếp lên thụ thể của TSH trên tế bào nang giáp gọi là TRAb và hoạt hoá quá trình tổng hợp và giải phóng hormon giáp và tăng trưởng của tuyến giáp. Dẫn tới tuyến giáp phì đại lan tỏa, bắt iod mạnh và tăng sản xuất hormon giáp.
Nguồn: Nguyễn Quang Bảy( 2012). Bệnh cường giáp, Bệnh học nội khoa tập 2- Đại học Y Hà Nội( trang 302- 314). Việt Nam: Nhà xuất bản Y học Hà Nội.
IV. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG
-
Hội chứng cường giáp
-
Các triệu chứng tim mạch
-
Nhịp tim nhanh vừa phải, khoảng 100-120 lần/phút, nhanh một cách thường xuyên kể cả khi nghỉ ngơi, càng tăng khi gắng sức, bệnh nhân hay có cơn hồi hộp, đánh trống ngực.
-
Huyết áp tâm thu có thể tăng nhẹ, làm tăng khoảng chênh lệch giữa huyết áp tâm thu và tâm trương.
-
Điện tim: nhịp nhanh xoang.
-
Khi bệnh tiến triển lâu, nhất là ở người có tuổi, có thể thấy có rối loạn nhịp: ngoại tâm thu, loạn nhịp hoàn toàn và cuối cùng là suy tim.
-
Dấu hiệu mạch kích động: các mạch lớn như động mạch chủ bụng, động mạch cảnh đập mạnh.
-
Gầy, sút cân
Là triệu chứng rất thường gặp, trong thời gian ngắn sút cân nhiều, tương phản với việc bệnh nhân ăn uống bình thường, thậm chí ăn nhiều.
-
Mệt mỏi, run tay
Thường xuyên, run với tần số nhanh, biên độ nhỏ, rõ nhất ở ngọn chi, tăng lên khi xúc động hoặc cố gắng tập trung làm việc.
-
Sợ nóng
Về mùa đông mặc ít áo ấm và về mùa hè cảm thấy nóng nực nhiều rất khó chịu. Da nóng ẩm, nhiều mồ hôi nhất là lòng bàn tay.
-
Thay đổi tính tình
Hay cáu gắt, dễ bị kích thích , xúc động, lo âu, giảm khả năng tập trung tư tưởng, hay mất ngủ.
g) Đi ngoài phân lỏng, nát nhiều
Do tăng nhu động ruột. Gặp ở 20% bệnh nhân Basedow.
h) Rối loạn sinh dục
Mất kinh hoặc ít kinh nguyệt ở nữ. Suy sinh dục ở nam.

2. Các triệu chứng đặc hiệu của Basedow
-
Bướu cổ
Bướu lan toả, không đau. Trong trường hợp điển hình là bướu mạch( tăng sinh nhiều mạch máu ở bướu) thì có tiếng thổi tâm thu hoặc liên tục, có rung mưu.

Bướu cổ
-
Các dấu hiệu về mắt
-
Bệnh sinh của mắt có thể liên quan đến các tế bào lympho gây độc( T killer) và các kháng thể gây độc rất nhạy với các kháng nguyên thông thường như TSH-R có trong tế bào sợi và cơ ở hốc mắt, và trong mô giáp. Các cytokine từ các tế bào lympho gây viêm cơ và viêm tế bào sợi trong hốc mắt, làm sưng phù các cơ trong hốc mắt gây lồi mắt, nhìn đôi cũng như đau mắt đỏ, sung huyết, phù kết mạc và quanh hốc mắt.
-
Một số dấu hiệu hay gặp: lồi mắt cả 2 bên; co kéo cơ mi trên, mất vận động giữa mi mắt và nhãn cầu( dấu hiệu Von Graepe); giảm độ hội tụ nhãn cầu, tổn thương cơ vận nhãn; phù nề mi mắt; xung huyết giác kết mạc gây mù…

Một số bệnh về mắt của Basedow
-
Phù niêm trước xương chày
Đây là kiểu phù khu trú, ít gặp nhưng rất đặc hiệu cho Basedow. Đó là những thâm nhiễm của tổ chức dưới da ở trước xương chày, ở thể điển hình có hình ảnh giống như da cam: gồm những nốt mẩn nổi lên trên nền da cứng, màu hồng hoặc da cam. Phù niêm khu trú này thường chỉ gặp khi bệnh đã lui.

Phù niêm trước xương chày
Nguồn: Trường đại học Y Hà Nội( 2011). Bệnh Basedow, Nội khoa cơ sở, lần thứ 9( trang 105-109). Việt Nam: Nhà xuất bản Y học Hà Nội.
V. XÉT NGHIỆM CẬN LÂM SÀNG
-
Định lượng hormon
- FT3( T3 tự do) và FT4( T4 tự do) tăng nhiều.
- TSH( định lượng bằng phương pháp cực nhạy) giảm rất nhiều.
-
Các xét nghiệm miễn dịch
- Các tự kháng thể kháng thyroglobulin và kháng microsom: có thể dương tính trong 80%-90% trường hợp.
- Các kháng thể kháng thụ thể của TSH trên màng tế bào tuyến giáp: dương tính. Ví dụ TSI( thyroid stimulating immunoglobulin) dương tính trong đa số các bệnh nhân Basedow.
Đây là những xét nghiệm rất đặc hiệu, chứng minh tính chất tự miễn của bệnh Basedow.
-
Các xét nghiệm đánh giá ảnh hưởng ngoại biên của tăng nồng độ hormon tuyến giáp
- Tăng chuyển hoá cơ sở( bình thường là trong khoảng +10%)
- Cholesteron máu giảm( <1,4g/l)
- Công thức máu: đôi khi thấy giảm bạch cầu, nhất là bạch cầu hạt đa nhân trung tính
- Thời gian phản xạ gân gót ngắn lại( <0,22 giây)
- Đường huyết: nếu làm nghiệm pháp gây tăng đường huyết uống có thể thấy hiện tượng giảm dung nạp với glucose
- Calci, Photpho đôi khi tăng
-
Xét nghiệm
khác
- Độ tập trung iod 131: tăng nhanh và trong trường hợp điển hình và có góc chạy: độ tập trung ở thời điểm 6 giờ cao hơn ở thời điểm 24 giờ( bình thường: độ tập trung sau 2 giờ: 20%, 6 giờ: 30%, 24 giờ: 40% với độ chênh lệch +5%). Khác với trường hợp bướu háo iod gặp trong bướu cổ địa phương, độ tập trung tăng rất chậm và giữ hình cao nguyên.
- Nhấp nháy đồ( scintigraphie): tuyến giáp tăng thể tích, tăng hoạt tính phóng xạ.
Nguồn: Trường đại học Y Hà Nội( 2011). Bệnh Basedow, Nội khoa cơ sở, lần thứ 9( trang 105-109). Việt Nam: Nhà xuất bản Y học Hà Nội.

VI. CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH
- Lâm sàng: có hội chứng cường giáp. Nếu có triệu chứng lâm sàng của nhiễm độc giáp và ít nhất 1 trong 3 triệu chứng: bướu mạch, lồi mắt và phù niêm trước xương chày thì cho phép chẩn đoán xác định Basedow mà có thể không cần làm thêm xét nghiệm.
- Xét nghiệm: TSH giảm, thường < 0,05 IU/L( bình thường 0,3-0,5 IU/L), FT3 và FT4 tăng cao( bình thường FT4= 12-25 pmol/l) trong 95% các trường hợp. TRAb tăng đặc hiệu trong bệnh Basedow.
Nguồn: Nguyễn Quang Bảy( 2012). Bệnh cường giáp, Bệnh học nội khoa tập 2- Đại học Y Hà Nội( trang 302- 314). Việt Nam: Nhà xuất bản Y học Hà Nội.
VII. BIẾN CHỨNG
Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh tiến triển thành từng đợt, cuối cùng gây các biến chứng chủ yếu là các biến chứng tim mạch. Tất cả các hội chứng cường giáp do các nguyên nhân khác nhau đều có thể gây biến chứng tim mạch, nhất là khi bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch hoặc có tuổi. Biểu hiện:
-
Các rối loạn kịch phát hoặc thường xuyên
-
Đợt nhịp tim nhanh xoang phối hợp với khó thở và lo âu.
-
Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, flutter, hoặc thường nhất là loạn nhịp hoàn toàn do rung nhĩ.
-
Suy tim toàn bộ, trội hơn ở bên phải: với đặc điểm tốc độ tuần hoàn và lưu lượng tim bình thường hoặc tăng.
-
Cơn nhiễm độc giáp cấp
Đây là một cấp cứu nội khoa, tỷ lệ tử vong khá cao. Xảy ra ở những bệnh nhân Basedow không được chẩn đoán và điều trị, khi can thiệp ngoại khoa hoặc điều trị bằng iod 131 mà không được chuẩn bị trước về nội khoa hoặc khi mắc bệnh nhiễm khuẩn, chấn thương…
Bệnh cảnh lâm sàng gồm:
-
Rối loạn ý thức: Ý thức u ám, vật vã, mê sảng rồi sau đó đi vào hôn mê, không có dấu hiệu thần kinh khu trú.
-
Sốt rất cao 40 độ hoặc hơn, vã mồ hôi, nhịp tim rất nhanh 150-160 lần/phút hoặc hơn.
-
Suy tim phù phổi bán cấp.
-
Mệt mỏi, suy nhược nặng vật vã.
-
Đi ỉa lỏng, nôn càng làm mất nước nặng thêm.
-
Các biến chứng mắt
-
Liệt cơ vận nhãn một hoặc hai bên do bệnh lý của cơ hoặc do chèn ép vào dây thần kinh III hoặc IV.
-
Lồi mắt ác tính: đó là lồi mắt rất nặng, tiến triển nhanh làm bệnh nhân nhận thức mắt, có cảm giác có hạt cát trong mắt, chảy nước mắt, cương tụ kết mạc, nhắm mắt không kín, có thể loét giác mạc, nhiễm khuẩn, phù nề nặng mi mắt, phù màng tiếp hợp, tổn thương thần kinh thị( do căng kéo) dẫn đến mù.
Nguồn: Trường đại học Y Hà Nội( 2011). Bệnh Basedow, Nội khoa cơ sở, lần thứ 9( trang 105-109). Việt Nam: Nhà xuất bản Y học Hà Nội.