4 phút đọc

11/6/2023

[GIẢI PHẪU] TIM - PHẦN 01

Tim là một khối cơ, rỗng bên trong, được xem là một máy bơm vừa hút vừa đẩy máu đi khắp cơ thể. Tim nằm trong lồng ngực và hơi lệch sang trái, giữa hai phổi, trên cơ hoành, sau xương ức và các sụn sườn, trước cột sống ngực. Ở người trưởng thành, tim nặng khoảng 260 gam ở nữ và 280 gam ở nam.

HÌNH THỂ NGOÀI VÀ LIÊN QUAN

Tim có hình tháp gồm ba mặt, một đáy và một đỉnh. Đáy tim hướng ra sau và sang phải, đỉnh tim hướng ra trước, sang trái và xuống dưới. Vì vậy, trục tim là một đường chếch xuống dưới, sang trái và ra trước.

Nhìn chung, tim gồm có hai phần, phần tâm nhĩ ở trên và phần tâm thất ở dưới. Phần tâm nhĩ gồm tâm nhĩ phải và tâm nhĩ trái, phần tâm thất gồm thất phải và thất trái

Giữa phần tâm nhĩ và phần tâm thất có rãnh nhĩ thất, thường gọi là rãnh vành.

------

MẶT ỨC SƯỜN

Mặt ức sườn hay mặt trước, hướng ra trước, lên trên và hơi sang trái. Rãnh vành ở mặt trước chạy ngang, chia phần tâm nhĩ ở trên và phần tâm thất ở dưới.

Phần tâm nhĩ chỉ thấy rõ tâm nhĩ phải. Tâm nhĩ trái thì được che bởi các mạch máu lớn như thân động mạch phổi ở bên trái, động mạch chủ nằm lệch về bên phải.

Phần tâm thất có rãnh gian thất trước chạy giữa hai tâm thất, hướng từ sau ra trước và xuống dưới, tới đỉnh tim. Trong rãnh gian thất trước có động mạch gian thất trước và
tĩnh mạch tim lớn.

Mặt ức sườn liên quan với mặt sau thân xương ức, các sụn sườn thứ 3 đến thứ 6, bó mạch ngực trong phải và trái.

------

MẶT HOÀNH

Mặt hoành hay mặt dưới, hướng xuống dưới và hơi ra sau, được tạo chủ yếu bởi hai tâm thất. Mặt dưới cũng có rãnh vành liên tục với rãnh vành từ mặt trước. Giữa hai tâm thất có rãnh gian thất sau đi từ sau ra trước. Trong rãnh gian thất sau có nhánh động mạch gian thất sau và tĩnh mạch tim giữa.

Mặt hoành nằm trên trung tâm gân cơ hoành, qua cơ hoành liên quan với thùy trái gan và đáy vị.

------

MẶT PHỔI

Mặt phổi còn gọi là mặt trái, hướng sang trái, liên quan với phổi và màng phổi trái. Mặt này chủ yếu là tâm thất trái, một phần tâm nhĩ trái và tiểu nhĩ trái.

Giữa phần ngoại tâm mạc của mặt trái và màng phổi trái có dây thần kinh hoành trái.

------ 

ĐÁY TIM

Đáy tim hướng ra sau và hơi sang phải, được tạo chủ yếu bởi tâm nhĩ trái và phần sau tâm nhĩ phải.

Hình 1: Tim nhìn từ phía trước (Nguồn: Theo Brizon J. và Castaing J.)

Tâm nhĩ trái có bốn tĩnh mạch phổi đổ vào. Tâm nhĩ trái liên quan phía sau với thực quản, vì vậy khi tâm nhĩ trái to ra sẽ đè vào thực quản, gây nuốt nghẹn.

Tâm nhĩ phải có tĩnh mạch chủ trên và tĩnh mạch chủ dưới đổ vào. Bờ ngoài tâm nhĩ phải có một rãnh đi từ bờ phải lỗ tĩnh mạch chủ trên đến bờ phải lỗ tĩnh mạch chủ dưới, gọi là rãnh tận cùng.

Giữa hai tâm nhĩ có rãnh gian nhĩ chạy dọc từ trên xuống.

------

ĐỈNH TIM

Đinh tim hay mỏm tim, hướng xuống dưới, ra trước và sang trái, được tạo chủ yếu bởi tâm thất trái. Đỉnh tim nằm sau thành ngực, ở vị trí khoang gian sườn 4 hoặc 5 trên đường trung đòn trái. Bên phải đinh tim có khuyết định tim, nơi gặp nhau của rãnh gian thất trước và rãnh gian thất sau.

------

CÁC BỜ TIM

Các bờ tim không rõ ràng.

Theo mô tả của các tài liệu về giải phẫu, tim có bốn bờ:

  • Bờ trên: đi từ mặt sau động mạch chủ và thân động mạch phổi đến tĩnh mạch chủ
  • Bờ phải: tương ứng với bờ phải của tâm nhĩ phải, gần như thẳng đứng từ trên xuống dưới và hơi lồi sang phải khi đến gần phần tâm thất.
  • Bờ dưới: liên tục từ đầu dưới của bờ phải đến định tim, là giới hạn giữa mặt ức sườn và mặt hoành của tim. Bờ này mỏng, sắc và rõ ràng.
  • Bờ trái: đi từ tiểu nhĩ trái đến đỉnh tim, giới hạn giữa mặt ức sườn và mặt trái của tim. Bờ này không được rõ ràng như bờ phải và hơi lồi sang trái khi đến gần đỉnh tim.

Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng, tim được mô tả có hai bờ là bờ phải và bờ trái. Bờ phải chính là bờ dưới theo mô giải phẫu như trên và thường được gọi là bờ sắc (acute border); bờ trái cũng chính là bờ trái nói trên nhưng thường được gọi là bờ tù (obtuse border).



Hình 2: Tim nhìn từ phía trước (Nguồn: Theo Brizon J. và Castaing J.)

---

Phần 01: Hình thể ngoài của tim

Phần 02: Hình thể trong của tim

Phần 03: Cấu tạo của tim

Phần 04: Mạch máu, thần kinh và đối chiếu tim lên thành ngực

---

Bài viết liên quan Tim mạch:

Sinh lý - Hoạt động điện của tim

Tiếp cận đau ngực: Bệnh sử, tiền căn và khám lâm sàng

Cận lâm sàng trong tiếp cận đau ngực

Các nguyên nhân của đau ngực

Khóa học mới nhất: Chẩn đoán và xử trí nhồi máu cơ tim cấp (cập nhật ESC 2023) - ThS. Quỳnh Dung - Giảng viên MedVNU

#Giải phẫu học#Tài liệu y khoa#Tim mạch
Bình luận