7 phút đọc

11/6/2023

[GIẢI PHẪU] TIM - PHẦN 02

HÌNH THỂ TRONG CỦA TIM

Tim có bốn buồng, hai tâm nhĩ và hai tâm thất. Các buồng tim ngăn cách nhau bằng các vách như vách gian nhĩ, vách gian thất và các van nhĩ thất.

Vách gian nhĩ ngăn cách giữa hai tâm nhĩ. Mặt bên phải vách gian nhĩ có hố bầu dục, mặt bên trái có van lỗ bầu dục. Nếu vách gian nhĩ khiếm khuyết sẽ có lỗ thông giữa hai tâm nhĩ, đó là tật thông liên nhĩ.

Hình 1: Tâm nhĩ, các tâm thất và vách gian thất (nguồn: Netter Atlas of Human Anatomy)

Vách gian thất ngăn cách giữa hai tâm thất. Phần gần lỗ nhĩ thất mỏng, gọi là phần màng; phần còn lại dày hơn, gọi là phần cơ. Vách gian thất cong hơi lồi sang phía bên tâm thất phải nên tâm thất trái lớn hơn tâm thất phải. Khi vách gian thất bị khiếm khuyết, tạo nên lỗ thông giữa hai tâm thất, đó là tật thông liên thất.

Giữa tâm nhĩ và tâm thất cùng bên là lỗ nhĩ thất, có van nhĩ thất.

Xem thêm: BỘ TRẮC NGHIỆM CẬN LÂM SÀNG TIM MẠCH (case lâm sàng có giải thích)

------

TÂM NHĨ PHẢI

Thành trong tâm nhĩ phải là mặt phải vách gian nhĩ. Phía trước, tâm nhĩ phải thông với tâm thất phải qua lỗ nhĩ thất phải. Trên lỗ nhĩ thất phải có lỗ tiểu nhĩ phải, thông tâm nhĩ phải với tiểu nhĩ phải. Phía trên tâm nhĩ phải có lỗ đổ của tĩnh mạch chủ trên, phía dưới có lỗ tĩnh mạch chủ dưới.

Hình 2: Tâm nhĩ phải mở ra: nhìn bên phải (nguồn: Netter Atlas of Human Anatomy)

Lỗ tĩnh mạch chủ dưới có van tĩnh mạch chủ dưới, lỗ tĩnh mạch chủ trên không có van. Vì vậy, khi suy tim phải, máu ứ lại ở tâm thất phải và tâm nhĩ phải sẽ dội ngược lên các tĩnh mạch vùng cổ. Gần lỗ nhĩ thất có lỗ đổ của xoang tĩnh mạch vành, lỗ này cũng có van. Ngoài ra, tâm nhĩ phải còn có những lỗ nhỏ nhận máu trực tiếp từ các tĩnh mạch từ thành tim đổ vào.

------

TÂM NHĨ TRÁI

Thành trong tâm nhĩ trái là mặt trái của vách gian nhĩ, có van lỗ bầu dục. Phía trước, tâm nhĩ trái thông với thất trái qua lỗ nhĩ — thất trái, được đậy bởi van nhĩ – thất trái, còn gọi là van hai lá vì có hai lá là lá trước và lá sau. Phía trên, tâm nhĩ trái thông với tiểu nhĩ trái. Tâm nhĩ trái có bốn lỗ tĩnh mạch phổi đổ vào.

------

TÂM THẤT PHẢI

Tâm thất phải có hình tháp ba mặt (mặt trước, mặt sau và mặt trong), một nền quay ra sau và đỉnh hướng ra trước. Nền thông với tâm nhĩ phải qua lỗ nhĩ – thất phải. Lỗ nhĩ thất phải được đậy bởi van nhĩ – thất phải, van có tác dụng chỉ cho máu chảy từ nhĩ phải xuống thất phải mà không dội ngược từ tâm thất lên tâm nhĩ. Van nhĩ thất phải có ba lá (lá trước, lá sau và lá trong) nên thường được gọi là van ba lá. Mỗi lá van được tạo bởi một nếp nội tâm mạc. Đáy của các lá van dính vào vòng sợi của lỗ nhĩ – thất, đinh của lá van hướng vào trong tâm thất. Mỗi lá van có hai mặt, mặt nhĩ và mặt thất. Mặt thất và đỉnh của các lá van có các sợi gân nhỏ bám vào gọi là thừng gân.

Hình 3: Tâm thất phải mở ra: nhìn trước (nguồn: Netter Atlas of Human Anatomy)

Phía trước trên lỗ nhĩ thất phải có lỗ động mạch phổi, có van động mạch phổi đậy, ngăn máu từ động mạch phổi chảy về tâm thất phải. Van động mạch phổi gồm ba van hợp lại là van bán nguyệt trước, van bán nguyệt phải và van bán nguyệt trái. Mỗi lá van có hai bờ, một bờ dính vào bờ của lỗ thân động mạch phổi và bờ tự do của lá van có cục van bán nguyệt. Phần tâm thất phải ngay dưới lỗ thân động mạch phổi loe rộng dần gọi là nón động mạch, còn gọi là phễu.

Mặt trong của mỗi thành tâm thất phải có cơ nhú tương ứng, nền cơ nhú dính vào thành tâm thất, đỉnh lồi vào buồng tâm thất, là nơi bám của các thùng gân của van ba lá.

Khóa học tham khảo: Chẩn đoán và xử trí nhồi máu cơ tim cấp (cập nhật ESC 2023) - ThS. Quỳnh Dung - Giảng viên MedVNU

------

TÂM THẤT TRÁI

Tâm thất trái lớn hơn và có thành dày hơn tâm thất phải vì tâm thất trái có nhiệm vụ đẩy máu vào động mạch chủ đi nuôi cơ thể.

Tâm thất trái có hình nón hơi dẹt, có hai thành: thành trước và thành sau, một đáy và một đỉnh.

Hình 4: Mở thành sau bên của thất trái (nguồn: Netter Atlas of Human Anatomy)

Đáy tâm thất trái có lỗ nhĩ thất trái, lỗ được đậy bởi van nhĩ thất trái. Van nhĩ thất trái có hai lá (nên thường được gọi là van hai lá), là lá trước và lá sau. Cấu tạo các lá van hai lá cũng tương tự như các lá của van ba lá nhưng rộng hơn, dày hơn và chắc hơn lá van ba lá.

Bên phải và phía trước lỗ nhĩ thất trái có lỗ động mạch chủ, lỗ được đậy bởi van động mạch chủ. Van động mạch chủ có ba lá van bán nguyệt là lá phải, lá trái và lá sau. Bờ của các lá van vừa bám vào thành động mạch chủ vừa bám vào thành tâm thất.

Bờ tự do của các lá van có dạng hình lưỡi liềm và gặp nhau ở trung tâm lỗ động mạch chủ. Trên bờ tự do của mỗi lá van có cục van bán nguyệt. Nhìn từ phía động mạch chủ, phần trung tâm của các lá van lõm xuống tạo thành các xoang động mạch chủ, còn gọi là xoang Valsalva. Ứng với ba lá van có ba xoang động mạch chủ là xoang phải, xoang trái và xoang sau. Xoang phải và xoang trái tương ứng có lỗ động mạch vành phải và lỗ động mạch vành trái.

Mặt trong thành tâm thất trái có hai cơ nhú, cơ nhú trước và cơ nhú sau. Đinh của các cơ nhú cũng là nơi bám của các thùng gân van hai lá.

Hình 5: Các van của tim (nguồn: Netter Atlas of Human Anatomy)

Bệnh van tim

Bệnh van tim là những tổn thương ở van tim gây ảnh hưởng đến chức năng bơm máu của tim, có thể là hẹp van hoặc hở van.

Hẹp van là tình trạng van tim mở ra không hoàn toàn, gây giảm sự tống máu từ một buồng tim nào đó, làm ứ máu ở buồng tim. Trái lại, hở van tim là hiện tượng van tim đóng không kín, gây hiện tượng máu dội ngược về buồng tim ngay sau khi nó vừa được tống ra. Cả hai trường hợp hẹp và hở van đều đưa đến hậu quả cuối cùng là tăng gánh cho tim.

Ví dụ, trong trường hợp hẹp van hai lá, ở thì tâm trương, máu từ nhĩ trái xuống thất trái bị hạn chế do lỗ nhĩ thất trái mở ra không hoàn toàn. Hậu quả là máu sẽ còn ứ lại ở tâm nhĩ trái. Máu ứ ở nhĩ trái dần dần làm nhĩ trái to ra và còn làm cho máu từ phổi về nhĩ trái hạn chế, lại gây ứ máu ở phổi,...

Trong trường hợp hở van hai lá, van hai lá sẽ không đóng kín hoàn toàn ở thì tâm thu, gây hiện tượng máu từ thất trái dội ngược về nhĩ trái. Hiện tượng này dần dần cũng gây ứ máu ở nhĩ trái và kéo theo ứ máu ở phổi.

Ví dụ khác, trường hợp hẹp van động mạch chủ chẳng hạn, hạn chế sự tống máu từ thất trái ra động mạch chủ ở thì tâm thu. Hiện tượng này gây ra ứ máu ở thất trái, dần dần làm thất trái to ra.

---

Phần 01: Hình thể ngoài của tim

Phần 02: Hình thể trong của tim

Phần 03: Cấu tạo của tim

Phần 04: Mạch máu, thần kinh và đối chiếu tim lên thành ngực

---

Bài viết liên quan Tim mạch:

Sinh lý - Hoạt động điện của tim

Tiếp cận đau ngực: Bệnh sử, tiền căn và khám lâm sàng

Cận lâm sàng trong tiếp cận đau ngực

Các nguyên nhân của đau ngực

Khóa học mới nhất: Chẩn đoán và xử trí nhồi máu cơ tim cấp (cập nhật ESC 2023) - ThS. Quỳnh Dung - Giảng viên MedVNU

#Giải phẫu học#Tài liệu y khoa#Tim mạch
Bình luận