4 phút đọc
11/8/2023
TIẾP CẬN BỆNH NHÂN ĐAU NGỰC - CẬN LÂM SÀNG
CẬN LÂM SÀNG TRONG TIẾP CẬN ĐAU NGỰC
------
Điện tâm đồ (ECG)
ECG đóng vai trò then chốt trong việc xác định bệnh nhân đau ngực do thiếu máu cơ tim cũng như phát hiện các biến chứng trên tim của các bệnh lý khác. Cần đo ECG trong vòng 10 phút sau nhập viện ở những bệnh nhân nghi ngờ nhồi máu cơ tim ST chênh lên.
Đoạn ST chênh xuống hoặc T âm sâu, đối xứng trên ECG giúp gợi ý thiếu máu cơ tim. Ở những bệnh nhân nghi ngờ hội chứng vành cấp, nên đo lặp lại ECG mỗi 30-60 phút. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng độ nhạy của ECG lúc nghỉ trong việc phát hiện thiếu máu cơ tim chỉ đạt khoảng 20% theo một số nghiên cứu. Bất thường về ST, T có thể xảy ra trên nhiều bệnh cảnh khác nhau như thuyên tắc phổi, phì đại thất trái, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, rối loạn điện giải, rối loạn chuyển hóa.
Tình trạng tăng thông khí trong rối loạn hoảng sợ có thể dẫn đến các bất thường về ST, T không đặc hiệu. Thuyên tắc phổi thường có biểu hiện nhịp nhanh xoang, có thể có trục lệch phải, sóng S ở chuyển đạo DI, sóng Q và T ở chuyển đạo DIII. ST chênh lên lan tỏa không theo giải phẫu mạch vành và đoạn PR chênh lõm xuống giúp phân biệt viêm màng ngoài tim với nhồi máu cơ tim cấp.
------
X quang ngực
X quang ngực đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện các bất thường về phổi như viêm phổi, tràn khí màng phổi. X quang ngực thường bình thường ở bệnh nhân hội chứng vành cấp nhưng cũng có thể thấy được hình ảnh phù phổi cấp. Ngoài ra, X quang ngực còn có thể thấy được trung thất dãn rộng trong bóc tách động mạch chủ, dấu hiệu Hampton hoặc Westermark trong thuyên tắc phổi, vôi hóa màng ngoài tim trong viêm màng ngoài tim mạn.
------
Siêu âm tim
Ở những bệnh nhân chưa có chẩn đoán xác định, đặc biệt bệnh nhân có ST chênh lên không đặc hiệu, triệu chứng đang tiến triển, rối loạn huyết động học, siêu âm tim giúp phát hiện những rối loạn vận động vùng gợi ý đến thiếu máu cơ tim. Siêu âm tim giúp chẩn đoán các biến chứng cơ học của nhồi máu cơ tim hoặc chèn ép tim cấp trong viêm màng ngoài tim. Siêu âm tim qua thành ngực có thể phát hiện bóc tách động mạch chủ nhưng có độ nhạy thấp.
Xem thêm: BỘ TRẮC NGHIỆM CẬN LÂM SÀNG TIM MẠCH (case lâm sàng có giải thích)
------
Điện tâm đồ gắng sức
Điện tâm đồ gắng sức thường được sử dụng để phân tầng nguy cơ ở những bệnh nhân đánh giá ban đầu chưa tìm được nguyên nhân gây đau ngực và có nguy cơ thấp của hội chứng vành cấp. Vì đau ngực đang tiến triển là chống chỉ định của nghiệm pháp gắng sức nên điện tâm đồ gắng sức thường được dùng để chẩn đoán bệnh lý động mạch vành mạn.
-----
Chụp CT động mạch
Chụp CT động mạch vành có độ nhạy cao trong phát hiện bệnh lý động mạch vành. CT động mạch cũng giúp loại trừ bóc tách động mạch chủ, tràn dịch màng ngoài tim, thuyên tắc phổi.
------
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chụp cộng hưởng từ tim là một phương tiện không xâm lấn giúp đánh giá chức năng và cấu trúc của tim cũng như các mạch máu trong lồng ngực. Chụp cộng hưởng từ tim có thể phát hiện sớm nhồi máu cơ tim, xác định chính xác vùng hoại tử cơ tim, chẩn đoán loại bệnh cơ tim. Mặc dù ít được sử dụng trong đánh giá cấp cứu đau ngực nhưng chụp cộng hưởng từ tim có thể giúp đánh giá cấu trúc tim ở những bệnh nhân tăng Troponin không do bệnh động mạch vành. Chụp cộng hưởng từ cũng cho phép đánh giá chính xác bóc tách động mạch chủ.
------
Xét nghiệm máu
Men tim cần được xét nghiệm ngay lúc nhập viện và lặp lại mỗi 3-6 giờ ở tất cả bệnh nhân nghi ngờ hội chứng vành cấp. Do có độ chuyên biệt cao hơn nên Troponin thường được sử dụng nhiều hơn CKMB trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, men tim có thể tăng trong những bệnh cảnh khác gây tổn thương cơ tim ngoài nhồi máu cơ tim như viêm cơ tim, suy thận mạn giai đoạn cuối, thuyên tắc phổi...
D-dimer tăng gợi ý đến thuyên tắc phổi. D-dimer bình thường giúp loại trừ thuyên tắc
phổi.
BNP/NT-pro BNP có vai trò tiên lượng ở bệnh nhân hội chứng vành cấp hoặc thuyên
tắc phổi.
---
TÀI LIỆU LIÊN QUAN ĐAU NGỰC
BỘ TRẮC NGHIỆM CẬN LÂM SÀNG TIM MẠCH (case lâm sàng có giải thích)
TRẮC NGHIỆM CASE LÂM SÀNG TIM MẠCH (CÓ GIẢI THÍCH CHI TIẾT)
---
Phần 01: Tiếp cận đau ngực: Bệnh sử, tiền căn và khám lâm sàng
Phần 02: Cận lâm sàng trong tiếp cận đau ngực
Phần 03: Các nguyên nhân của đau ngực