6 phút đọc
11/6/2023
[SINH LÝ] HOẠT ĐỘNG ĐIỆN CỦA TIM (Phần 01)
TỔNG QUAN
Hệ tuần hoàn là hệ thống vận chuyển và phân phối máu chứa các chất cần thiết cho mô và lấy đi các sản phẩm chuyển hóa. Để thực hiện chức năng này, hệ tuần hoàn gồm hệ thống bơm và hệ thống ống dẫn. Tim có chức năng của một cái bơm, vừa đẩy vừa hút máu. Hệ thống ống dẫn bao gồm động mạch, tĩnh mạch và mao mạch. Tim phải gồm nhĩ phải và thất phải, bơm máu vào động mạch phổi, mao mạch phổi. Tại mao mạch phổi có sự trao đổi oxy và CO, giữa máu và khí phế nang, sau đó máu ra khỏi phổi về nhĩ trái. Đó là vòng tuần hoàn phổi. Tim trái gồm nhĩ trái và thất trái, bơm máu đến tất cả các mô trong cơ thể. Máu từ thất trái đi ra động mạch chủ, các động mạch lớn, tiểu động mạch và mao mạch. Tại mao mạch, có sự trao đổi chất giữa mao mạch và mô. Sau đó, máu từ mao mạch về hệ tĩnh mạch rồi về tim phải. Đó là vòng tuần hoàn hệ thống.
Máu chảy qua tim một chiều do sự sắp xếp các van tim. Máu từ tim ra ngoài từng đợt, làm căng thành động mạch chủ và các phân nhánh lúc tâm thu. Nhờ tính đàn hồi của thành động mạch lớn nên máu chảy liên tục trong mạch. Áp suất máu cao ở động mạch chủ, giảm dần ở động mạch lớn, giảm nhiều khi qua các động mạch nhỏ. Sự điều hòa độ co cơ vòng của các động mạch nhỏ cho phép điều chỉnh lưu lượng máu qua mô và giúp điều hòa huyết áp động mạch. Áp suất máu giảm dần đến khi về tim. Vận tốc máu giảm từ hệ động mạch đến mao mạch, chậm nhất tại mao mạch, sau đó vận tốc tăng dần khi về tim.
Hệ tuần hoàn được điều chỉnh bởi nhiều yếu tố phức tạp, nhằm giữ vững lưu lượng máu tại mao mạch, sao cho thích hợp với hoạt động của từng bộ phận cơ thể, nhất là tại các cơ quan đặc biệt như tim, não. Ngoài ra, còn hệ thống mạch bạch huyết, chuyên chở bạch huyết đến ống ngực rồi đổ vào hệ tĩnh mạch
Xem thêm: Tiếp cận điều trị Hội chứng mạch vành cấp
HỆ THỐNG DẪN TRUYỀN TRONG TIM
Nút xoang
Nút xoang còn gọi là nút Keith-Flack, do hai ông Keith và Flack mô tả đầu tiên vào năm 1907, có hình dấu phẩy, dài khoảng 8 mm, rộng khoảng 2 mm, nằm ẩn dưới thượng tâm mạc trong rãnh nơi tĩnh mạch chủ trên đổ vào nhĩ phải. Nút xoang có hai loại tế bào chính:
(1) tế bào P tròn nhỏ, có ít bào quan bên trong tế bào và ít sợi tơ cơ, là tế bào tạo nhịp;
(2) tế bào dài, có hình dạng trung gian giữa tế bào tròn và tế bào cơ nhĩ bình thường, có chức năng dẫn truyền xung động trong mô nút và đến các vùng lân cận.
Động mạch nuôi nút xoang là động mạch vành phải (60%) và động mạch vành trái (40%). Nút xoang chịu sự chi phối của nhánh thần kinh phế vị phải.
Bình thường, xung động nút xoang có tính chu kỳ, nhịp nhàng, trung bình 60 – 100 lần/phút. Nút xoang phát xung nhanh nhất nên là nút dẫn nhịp cho toàn tim. Nút xoang phát xung phụ thuộc vào sự chi phối của hệ thần kinh và mạch máu nuôi dưỡng, có thể thay đổi tần số khi cần đáp ứng những hoạt động sinh lý như gắng sức, xúc động,... và sau đó trở lại trạng thái cân bằng, điều đó càng khẳng định tính tự động của nút xoang.
Đường liên nút
Đường liên nút gồm các tế bào biệt hóa chủ yếu là có khả năng dẫn truyền xung động, nhưng cũng có một số tế bào có khả năng tự động phát xung. Các đường này nối từ nút xoang đến nút nhĩ thất (Tawara) gồm đường trước có một nhánh đi sang nhĩ trái (bó Bachman), đường giữa (bó Wenckebach) và đường sau (bó Thorel).
Nút nhĩ thất
Nút nhĩ thất, còn được gọi là nút Tawara, được Tawara tìm ra từ năm 1906. Nút nhĩ thất có hình bầu dục, mặt phải lõm, mặt trái lồi, dài khoảng 22 mm, rộng 10 mm và dày 3 mm. Nút nhĩ thất nằm ở mặt phải phần dưới vách liên nhĩ, giữa lá vách van ba lá và xoang vành. Nút nhĩ thất gồm nhiều tế bào biệt hóa đan với nhau chằng chịt làm cho xung động qua đây bị chậm lại và dễ bị nghẽn tắc. Nút nhĩ thất chủ yếu làm nhiệm vụ dẫn truyền và chỉ có ít tế bào tự động. Nút nhĩ thất có khả năng phát xung động 50 – 60 lần/phút. Từ nhĩ xuống thất xung động chỉ truyền qua duy nhất ở nút này, đây là con đường độc đạo. Trong nút nhĩ thất, xung động dẫn truyền từ nhĩ xuống thất qua hai con đường là đường dẫn truyền nhanh (đường B) và đường dẫn truyền chậm (đường a).
Bó His
Bó His được His mô tả từ năm 1893, rộng 1 – 3 mm, dài khoảng 20 mm. Bó His nối tiếp với nút nhĩ thất, có đường đi trong vách liên thất ngay dưới mặt phải của vách, chia thành hai nhánh phải và trái. Cấu tạo bó His gồm các sợi dẫn truyền nhanh đi song song và có tế bào có tính tự động cao. Vì bó His và nút nhĩ thất nối tiếp với nhau không có ranh giới rõ rệt nên rất khó phân biệt về mặt tổ chức học, do đó, được gọi chung là bộ nối nhĩ thất. 1.5. Các nhánh và mạng Purkinje
Bó His chia ra hai nhánh: nhánh phải và nhánh trái. Nhánh phải đi trong vách liên thất phải, nhánh phải nhỏ và mảnh và dài nên rất dễ bị nghẽn tắc. Nhánh trái lớn và ngắn hơn, đi trong vách liên thất trái, đến 1/3 trên và 1/3 giữa chia ra hai nhánh nhỏ là nhánh trước trên trái và sau dưới trái. Nhánh phải và trái chia nhỏ, đan vào nhau như một lưới bọc hai tâm thất. Mạng này đi ngay dưới màng trong tâm thất và đi sâu vài milimet vào bề dày của lớp cơ. Hai nhánh bó His và mạng Purkinje rất giàu các tế bào có tính tự động cao có thể tạo nên các chủ nhịp tâm thất.
Hình: Hệ thống dẫn truyền trong tim
---
Chuỗi bài viết tham khảo "Hoạt động điện của tim"
Phần 01: Hệ thống dẫn truyền trong tim
Phần 02: Hoạt động điện học của tim
Phần 03: Đặc tính sinh lý tế bào cơ tim
Phần 04: Điện tâm đồ
---
Bài viết liên quan Tim mạch:
Tiếp cận đau ngực: Bệnh sử, tiền căn và khám lâm sàng
Cận lâm sàng trong tiếp cận đau ngực
Khóa học tham khảo: Chẩn đoán và xử trí nhồi máu cơ tim cấp (cập nhật ESC 2023) - ThS. Quỳnh Dung - Giảng viên MedVNU