7 phút đọc
4/28/2023
Ca thụ tinh ống nghiệm đầu tiên ở Việt Nam
Nhờ những tiến bộ trong phương pháp thụ tinh bằng ống nghiệm, ngành Y khoa Việt Nam đã chuyển mình trên một hành trình mới. Đặc biệt, tiếng khóc chào đời của ba đứa trẻ được sinh ra bằng phương pháp trên không những đánh dấu một bước ngoặt mới trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản của Việt Nam, mà còn mang lại niềm hy vọng cho những người khát khao được trở thành bậc làm cha, làm mẹ.
Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện nghiêm túc hoạt động chuyển bệnh nhân
NHỮNG ĐỨA TRẺ VIF ĐẦU TIÊN
Cách đây 25 năm, vào ngày 30/04/1998, tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), Lưu Tuyết Trân, Mai Quốc Bảo và Phạm Tường Lan Thy là ba đứa trẻ đầu tiên tại Việt Nam ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Hiện tại, cả ba người đều đang khỏe mạnh, sống vui vẻ và có con đường sự nghiệp của riêng mình.
Ngày đặc biệt này đã mang lại niềm hạnh phúc không chỉ đối với ba gia đình, mà còn cho hàng ngàn phụ nữ không thể sinh con một cách tự nhiên hay không thể có con với chồng và những người người muốn có con mà không cần phải kết hôn hay quan hệ tình dục. Đây cũng là sự kiện trọng đại của ngành sản khoa Việt Nam.
Hình ảnh ba đứa trẻ sinh ra nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Ảnh: Báo Tuổi trẻ.
Khi nhắc đến sự ra đời của ba đứa trẻ IVF, không thể không nhắc đến GS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, và là người có đóng góp lớn trong hành trình điều trị hiếm muộn tại Việt Nam.
Trong những năm tháng giảng dạy tại Pháp, bà quyết tâm mang về nước bằng được kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Thậm chí, còn dành dụm tiền túi để mua máy móc, thiết bị thực hiện kỹ thuật gửi về Việt Nam.
Năm 1997 là năm đầu tiên bác sĩ Phượng mang kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về Việt Nam, cùng với đoàn chuyên gia Pháp gồm bốn thành viên để thực hiện sự nghiệp lớn cho ngành phụ khoa nước nhà. Cũng tháng 8 năm đó, đánh dấu những phôi thai đầu tiên của Việt Nam đã đặt vào trong ống nghiệm thành công.
“Là bác sĩ, tôi thường chứng kiến hạnh phúc của không biết bao nhiêu cặp vợ chồng khi đứa con ra đời. Với những người phụ nữ không sinh được con, áp lực từ gia đình chồng và nguy cơ mất hạnh phúc gia đình luôn rình rập,… Từng chứng kiến quá nhiều nước mắt và đau khổ của không ít người, tôi xót thương.”, bác sĩ Phượng trải lòng.
GS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Phương, người đặt viên gạch đầu tiên cho kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Nguồn ảnh: Baby Home.
"Khi những đứa bé đầu tiên được thụ tinh và sinh ra thành công, không thể diễn tả lại được cảm xúc của chúng tôi lúc đó", bác sĩ Phượng phát biểu trong lễ kỷ niệm 25 năm ca IVF đầu tiên, tổ chức tại Bệnh viện Từ Dữ sáng ngày 27/04.
Kể từ sự kiện lịch sử đó đến nay, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đã tạo những bước tiến mạnh mẽ cho ngành sản phụ khoa. Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) trở thành đơn vị đi đầu trong cả nước về phương pháp này và đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có uy tín bậc nhất tại khu vực Đông Nam Á về phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Sự thành công này góp phần làm tăng vị thế của y học Việt Nam trong phạm vi khu vực và trên thế giới.
Theo nghiên cứu của Bệnh viện Từ Dũ, các bé sinh ra từ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và những kỹ thuật tương đương đều phát triển bình thường về thể chất và tâm lý. Không có khác biệt về sự phát triển giữa các trẻ sinh ra từ những kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm với sinh tự nhiên.
Bên cạnh công trình nghiên cứu thụ tinh trong ống nghiệm, BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã hoàn thành xuất sắc nhiều đề tài có giá trị khác như: Ảnh hưởng của chất độc hóa học trên sức khỏe phụ nữ và các biện pháp khắc phục, phát hiện sớm điều trị ung thư cổ tử cung, áp dụng phương pháp miễn dịch me TBG để chuẩn đoán và theo dõi sự phát triển của thai nhi,...
Bà là người đầu tiên mang kỹ thuật nội soi trong phụ khoa về Việt Nam. Nhờ sự giúp đỡ của Pháp, Khoa nội soi của Bệnh viện Từ Dũ được thành lập và đến nay công trình này được công nhận là đứng đầu trong nước về kỹ thuật nội soi phụ khoa.
TÌNH HÌNH THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM TẠI VIỆT NAM
Ước tính mỗi năm, một triệu cặp vợ chồng tại Việt Nam đang bị vô sinh, hiếm muộn, tỉ lệ khoảng 7,7%. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh ngày càng tăng và trẻ hóa. Cụ thể, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới, trong đó 50% số ca mắc bệnh nằm ở độ tuổi dưới 30.
BS. Trần Ngọc Hải, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Từ Dũ, cho biết từ khi thành lập khoa Hiếm muộn đến nay, Bệnh viện Từ Dũ đã đón hơn 16.300 em bé thụ tinh trong ống nghiệm ra đời. Số lượt khám hiếm muộn mỗi năm 55.000 đến 60.000. Tỷ lệ thai lâm sàng IVF hơn 45%.
"Mỗi em bé ra đời là niềm hạnh phúc to lớn của gia đình cũng như đội ngũ y bác sĩ", bác sĩ Hải chia sẻ.
Từ năm 2017 trở đi, số ca thụ tinh trong ống nghiệm thực hiện mỗi năm ở Việt Nam đã cao nhất khu vực ASEAN. Năm 2019, cả Việt Nam có gần 35.000 trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện tại nhiều cơ sở y tế trên cả nước như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Bạch Mai,...
Thụ tinh trong ống nghiệm bằng cách cho trứng và tinh trùng kết hợp cùng nhau trong ống nghiệm. Ảnh: IVF Hồng Ngọc.
THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM
Từ ngày dấu ấn 30/04/1998 ấy, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) không còn là thuật ngữ xa lạ với người dân Việt Nam.
Thụ tinh trong ống nghiệm là một trong những kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tốt nhất bằng cách cho trứng và tinh trùng kết hợp cùng nhau trong ống nghiệm tại phòng thí nghiệm nhằm tạo phôi. Sau đó phôi thai này sẽ được chuyển trở lại vào tử cung của người phụ nữ.
Dù là một trong những phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn hiệu quả nhất nhưng không phải ai cũng có kết quả thụ thai ngay từ lần đầu tiên. Bên cạnh đó, tỷ lệ thành công của kỹ thuật IVF sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm: tuổi tác của người vợ, nguyên nhân vô sinh, quá trình điều trị trước đó, chuyên môn của bác sĩ thực hiện và chất lượng của bệnh viện.
- Đối với phụ nữ dưới 35 tuổi: Tỷ lệ thai sống cho mỗi chu kỳ thụ tinh ống nghiệm là từ 30 – 35%
- Đối với phụ nữ từ 35 – 37 tuổi: Tỷ lệ thai sống đạt 25%.
- Đối với phụ nữ từ 38 – 40 tuổi: Tỷ lệ thai sống khoảng 20%
- Đối với phụ nữ trên 40 tuổi: Tỷ lệ thai sống còn 6 – 10%.
Trong suốt 25 năm qua, ngành phụ khoa Việt Nam đã đạt được những nước tiến mới, đặc biệt, với lĩnh vực hỗ trợ sinh sản. Hy vọng tới đây, chúng ta sẽ được chứng kiến thêm nhiều thành tựu vượt bậc khác.
Tham khảo: Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế, VNExpress, Tổng hội Y học Việt Nam, báo Tuổi trẻ, báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.